Các cuộc khảo sát cho thấy dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới nhận được sự ủng hộ áp đảo từ công chúng Thái Lan. Ảnh: AFP |
Trước đó vào ngày 26/3, Hạ viện Thái Lan chính thức thông qua dự luật bình đẳng hôn nhân trong phiên họp cuối cùng nhờ sự ủng hộ từ 400 trong số 415 nhà lập pháp. Phát biểu trước các nhà lập pháp Hạ viện trước buổi họp cuối cùng, ông Danuphorn Punnakanta, Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về dự thảo luật, cho biết: “Chúng tôi làm điều này vì tất cả người dân Thái Lan nhằm giảm bớt khoảng cách trong xã hội và bắt đầu tạo ra sự bình đẳng”. Ông khẳng định: "Tôi muốn mời tất cả các bạn viết lên lịch sử”.
Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết ông “tự hào” sau khi Hạ viện bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ áp đảo. Bày tỏ cảm xúc trên nền tảng mạng xã hội X, ông cho biết: “Việc Quốc hội thông qua dự luật này hôm nay là một khoảnh khắc đáng tự hào đối với xã hội Thái Lan. Chúng ta sẽ cùng nhau hướng tới bình đẳng xã hội và tôn trọng sự khác biệt”.
Tới ngày 2/4, AFP cho biết dự luật này tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Thượng viện và tổ chức bỏ phiếu đầu tiên trước khi chuyển đến ủy ban để xem xét thêm. Thượng viện không thể bác bỏ dự luật này nhưng có thể gửi lại Hạ viện để tranh luận thêm trong 180 ngày.
Nếu được thông qua, Thái Lan có thể trở thành quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á và một trong số 3 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tiên tại châu Á công nhận hôn nhân đồng giới cùng với Đài Loan (Trung Quốc) và Nepal.
AFP dẫn lời nhà hoạt động Ann Waaddao Chumaporn cho biết có rất nhiều cặp đôi LGBTQ sẵn sàng kết hôn sau khi luật được thông qua – kết quả mà bà hy vọng có thể xảy ra trong năm 2024. Bà bày tỏ niềm hy vọng của mình rằng: “Một khi luật được thực thi, nó sẽ thay đổi xã hội Thái Lan. Nó sẽ truyền cảm hứng cho những cuộc đấu tranh vì bình đẳng khác.”
Thái Lan sở hữu những cộng đồng đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới cởi mở và rõ ràng nhất châu Á. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động chính trị cho rằng luật pháp và thể chế của nước này vẫn chưa phản ánh sự thay đổi thái độ xã hội và vẫn phân biệt đối xử với những người thuộc cộng đồng LGBT.
Các nhà hoạt động xã hội đã vận động cho quyền kết hôn đồng giới trong hơn một thập kỷ tại Thái Lan nhưng không đạt được nhiều tiến triển do những chậm trễ tới từ biến động chính trị và sự bất đồng về cách tiếp cận và những gì nên đưa vào dự luật.
Trước đó vào năm 2022, Quốc hội Thái Lan đã tiến hành tranh luận về 4 dự luật liên quan đến quyền của nhóm LGBTQ+, bao gồm hôn nhân đồng giới, quyền công dân và bình đẳng hôn nhân. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đã không thể đi đến cuộc bỏ phiếu cuối cùng trước khi kết thúc phiên họp hồi đầu tháng 3/2023.
Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5 vừa qua, hôn nhân đồng giới đã trở thành chính sách hàng đầu của một số đảng, trong đó có Pheu Thai và Move Forward khi các đảng này cam kết sẽ thúc đẩy việc ban hành luật bình đẳng hôn nhân.