Ảnh minh họa. |
Theo thỏa thuận, Chính phủ 3 nước sẽ ủng hộ các cam kết tự nguyện ràng buộc đối với tất cả các nhà cung cấp công nghệ trí tuệ nhân tạo nhỏ và lớn tại Liên minh châu Âu, thay vì chỉ áp dụng đối với các nhà cung cấp lớn như đề xuất trước đó của Nghị viện châu Âu.
Việc phân biệt các quy định theo quy mô của các nhà cung cấp AI sẽ tạo cạnh tranh không bình đẳng và lợi thế sẽ nghiêng về các nhà cung cấp AI nhỏ. Do đó, Chính phủ 3 nước Đức, Pháp và Italy cùng cho rằng các quy tắc ứng xử và tính minh bạch phải có tính ràng buộc đối với tất cả các đối tượng khác nhau.
Một điểm đáng lưu ý trong thỏa thuận nêu trên là không quy định ngay các biện pháp trừng phạt. Hệ thống xử phạt chỉ được thiết lập sau khi phát hiện các trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử tại một thời gian nhất định và sẽ có một cơ quan có thẩm quyền của châu Âu đứng ra chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn đề ra.
Trước đó, hồi tháng 6, Nghị viện châu Âu đã công bố Đạo luật AI nhằm ngăn chặn rủi ro từ các ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo, tránh tạo ra phân biệt đối xử đồng thời không làm chậm tiến trình đổi mới của công nghệ này ở châu Âu. Nghị viện châu Âu đề xuất ban đầu chỉ có bên ràng buộc quy tắc ứng xử với các nhà cung cấp AI lớn, chủ yếu đến từ Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định, động thái này diễn ra trong bối cảnh chính phủ các nước đang tìm cách kiểm soát những nguy cơ của công nghệ trí tuệ nhân tạo, vốn có thể tái định hình nền kinh tế toàn cầu và thay đổi cục diện an ninh quốc tế.
Thời gian qua, những công cụ AI đã tạo ra bước đột phá mới trong làn sóng đầu tư vào công nghệ. Ông Mandeep Singh, chuyên gia tại Bloomberg Intelligence cho biết: "Trí tuệ nhân tạo tổng quát sẽ trở thành một phần thiết yếu trong hoạt động chi tiêu công nghệ thông tin, quảng cáo và an ninh mạng khi công nghệ này phát triển bùng nổ".
Khi các công cụ AI ngày càng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận, công nghệ này được kỳ vọng sẽ mở rộng sang các ngành và đáp ứng đa dạng nhu cầu hơn.
Theo ông Singh, không chỉ các công ty chuyên về AI mà các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực khác như chất bán dẫn, phần cứng, phần mềm điện toán đám mây, dịch vụ công nghệ thông tin và quảng cáo cũng có thể hưởng lợi nhờ sự phát triển nhanh chóng của AI tổng quát.
Các chuyên gia công nghệ cũng lưu ý, AI đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và thách thức với những lo ngại về mức độ tin cậy liên quan đến dữ liệu, thuật toán và ứng dụng. Vì vậy, để tối ưu hóa những lợi ích của AI, điều quan trọng là phải khiến công chúng tin tưởng rằng công nghệ này đang được phát triển và sử dụng một cách có trách nhiệm. Để đạt được điều này, các hệ thống AI phải được thiết kế và phát triển minh bạch dựa trên khung pháp lý để đảm bảo không đi ngược lại các chuẩn mực xã hội.