Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Bidiphar 6 tháng đầu năm gần 820 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 397 tỷ đồng, tăng lần lượt 12,5% và 16% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính nửa đầu năm tăng gấp 1,63 lần cùng kỳ lên 7,8 tỷ đồng, nhưng phí tài chính và chi phí bán hàng đều tăng cao với mức tăng lần lượt là 96% và 15% so với cùng kỳ, đạt 8,9 tỷ đồng và 191 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế quý 2 của Bidiphar đạt 176 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, Bidiphar đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 11%, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, đi ngang so với thực hiện 2022. Như vậy, hết nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 45,6% kế hoạch doanh thu và 58,7% kế hoạch lợi nhuận.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Bidiphar tại ngày 30/6 giảm nhẹ 27 tỷ đồng so với đầu kỳ, xuống 1.869 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm 7% xuống 512 tỷ đồng,
Khoản hàng tồn kho của Bidiphar tăng 19% lên 537 tỷ đồng. Mức tăng chủ yếu đến từ khoản nguyên vật liệu, tăng 20% lên 319 tỷ đồng; khoản thành phẩm, tăng 53% so với đầu kỳ lên 187 tỷ đồng.
Kỳ này, khoản đầu tư tài chính của Bidiphar giảm mạnh so với con số đầu năm, trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn giảm tới 45% xuống còn 122 tỷ đồng. Đây đều là các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng và dưới 1 năm tại các ngân hàng thương mại trong nước, được hưởng lãi suất từ 5,5%/năm đến 9,5%/năm. Còn khoản đầu tư dài hạn chủ yếu là 156 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh liên kết, tăng nhẹ 3%.
Công ty ghi nhận mức tăng mạnh 56% của khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Trong đó, Bidiphar có 83 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dược công nghệ cao, tăng 34% so với con số đầu năm. Công ty đã phát sinh thêm gần 27 tỷ đồng xây dựng dự án dây chuyền thuốc tiêm bột và 6 tỷ đồng xây dựng showroom thiết bị y tế.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/6, nợ phải trả của công ty giảm nhẹ 3% xuống 527 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay ngắn hạn tăng đột biến 3,6 lần từ 16 tỷ đồng lên 57 tỷ đồng.
Khoản phải trả người bán ngắn hạn giảm 17%, khoản phải trả người lao động cũng giảm 15% xuống lần lượt là 135 tỷ đồng và 83 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đầu tiên sản xuất thành công thuốc ung thư tại Việt Nam
CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) tiền thân là Công ty Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định được chuyển đổi từ Doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty TNHH Một Thành viên do UBND Tỉnh Bình Định làm chủ sở hữu (100% vốn Nhà nước). Hoạt động chính của công ty là sản xuất, kinh doanh dược phẩm và trang thiết bị y tế.
Năm 2010, Bidiphar trở thành doanh nghiệp dược Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công thuốc điều trị ung thư. Đến năm 2016, với việc dây chuyền sản xuất thuốc điều trị ung thư đạt tiêu chuẩn GMP – WHO, công ty tiếp tục cho ra đời hàng loạt các sản phẩm, khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam.
Tiếp nối thành công đó, nhằm giúp bệnh nhân trong nước có cơ hội được tiếp cận thuốc điều trị ung thư chất lượng quốc tế với chi phí phù hợp, hướng tới thay thế thuốc nước ngoài, Bidiphar đã đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư công nghệ cao tại Khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn, Bình Định), với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng.
Nhà máy này được đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín, hoàn toàn tự động, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn GMP - EU, như hệ thống điều khiển và thu thập dữ liệu (SCADA) trung tâm để kiểm soát toàn bộ hoạt động sản xuất, truy xuất dữ liệu sản xuất, phân tích xu hướng nhằm đánh giá và phòng ngừa rủi ro trong quá trình sản xuất; hệ thống công nghệ cách ly (isolator); hệ thống rửa - tiệt trùng tự động (CIP/SIP)…
Sau hơn 4 năm triển khai, đến năm 2022 Bidiphar đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất thuốc điều trị ung thư dạng tiêm và đang tiếp tục triển khai đưa dây chuyền sản xuất dạng viên vào hoạt động trong quý 3/2023.
Không chỉ đối với thuốc điều trị ung thư, Bidiphar đang tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc với các dạng bào chế khác nhau theo tiêu chuẩn GMP - EU. Trong đó, Dự án Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ của Bidiphar vừa được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 17/8/2023.
Dự án được xây dựng tại Khu công nghiệp Nhơn Hội thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội (xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn, Bình Định), nằm trong cụm nhà máy dược phẩm công nghệ cao của Bidiphar với diện tích gần 25.000m2.
Với tổng vốn đầu tư 840 tỷ đồng, dự án này sẽ sản xuất các sản phẩm thuốc nhỏ mắt, các dạng thuốc tiêm vô trùng theo tiêu chuẩn GMP-EU với công suất 120 triệu sản phẩm/năm.