El Nino đe dọa sản lượng gạo châu Á năm 2023

El Nino CHÂU Á
15:15 - 13/07/2023
Nông dân thu hoạch lúa tại Guwahati, Ấn Độ. Ảnh: AP
Nông dân thu hoạch lúa tại Guwahati, Ấn Độ. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Việc El Nino xuất hiện sớm hơn bình thường trong năm 2023, mang tới thời tiết ấm và khô hơn dự kiến sẽ gây ảnh hưởng tới sản xuất lúa gạo tại châu Á, từ đó có nguy cơ tác động tới an ninh lương thực toàn cầu.

Trên lý thuyết, El Nino vốn là một hiện tượng nóng lên tự nhiên, tạm thời và không mang tính thường xuyên tại một phần Thái Bình Dương và có khả năng thay đổi thời tiết toàn cầu. Tuy nhiên, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, hiện tượng này đến sớm hơn thường lệ từ một tới hai tháng vào tháng 6 năm nay khiến nó có thời gian để tích lũy sức mạnh và có khả năng trở nên mạnh hơn trong năm nay.

Đây là một tin xấu đối với nông dân trồng lúa, đặc biệt là tại châu Á – nơi 90% lượng gạo trên thế giới được sản xuất và tiêu thụ. Nguyên nhân là do El Nino mạnh thường đồng nghĩa với việc mưa ít hơn cho loại cây trồng vốn phụ thuộc nhiều vào nước như lúa.

Trả lời hãng tin AP, ông Beau Damen, một quan chức tài nguyên thiên nhiên của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan, cho biết mỗi một đợt El Nino đều khác nhau. Tuy nhiên, các ghi chép trước đây cho thấy lượng mưa khan hiếm ở Nam Á và Đông Nam Á thường sẽ làm khô đất và gây ra hiệu ứng phân tầng trong những năm tới. Ông còn đưa ra nhận định một số quốc gia như Indonesia có khả năng dễ bị tổn thương hơn trong giai đoạn đầu của hiện tượng này.

Trước mắt, ông Abdullah Mamun, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), nhận định hiện đã xuất hiện “những hồi chuông cảnh báo” đầu tiên khi giá gạo tăng do sản lượng thiếu hụt. Cụ thể, tại Thái Lan, giá gạo tấm tháng 6 trung bình cao hơn cùng kỳ năm 2022 16% trong khi dự trữ gạo toàn cầu xuống mức thấp kể từ năm ngoái, một phần do lũ lụt tàn phá ở Pakistan - nước xuất khẩu gạo lớn.

Trong bối cảnh El Nino năm nay có khả năng khuếch đại những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới các nước sản xuất lúa gạo như giảm khả năng cung cấp phân bón hay hạn chế xuất khẩu gạo, tình hình được dự đoán sẽ còn diễn biến khó lường hơn. Một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu BMI cho thấy các quốc gia bao gồm Myanmar, Campuchia và Nepal nằm trong phạm vi đặc biệt dễ bị tổn thương bởi El Nino.

El Nino thường đồng nghĩa với việc lượng mưa ít hơn, gây tác động tiêu cực tới cây trồng vốn cần nhiều nước như lúa. Ảnh: AP

El Nino thường đồng nghĩa với việc lượng mưa ít hơn, gây tác động tiêu cực tới cây trồng vốn cần nhiều nước như lúa. Ảnh: AP

Đối mặt với kịch bản không mấy tích cực, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã bắt đầu dự tính các kế hoạch dự phòng. Hôm 10/7 vừa qua, AP cho biết Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu các bộ trưởng dự đoán một mùa khô hạn kéo dài. Theo ông, quản lý nước tốt đóng vai trò quan trọng trong những tuần tới do các yếu tố bao gồm hạn chế xuất khẩu và tình trạng thiếu phân bón kết hợp với El Nino hoàn toàn có thể tạo nên “một sự kiện đặc biệt gây thiệt hại”.

Jakarta cũng đang chuẩn bị cho tình trạng thiếu lương thực do nước này là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm 2022. Lượng mưa ít hơn dự kiến và nắng nóng lịch sử ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng gạo của Ấn Độ năm ngoái, làm dấy lên lo ngại giá lương thực nội địa tăng cao và buộc nước này thực hiện biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Trong khi đó tại Philippines, chính phủ cũng đang lên kế hoạch quản lý nước cẩn thận để bảo vệ các khu vực dễ bị tổn thương bởi khô hạn. Nguồn cung phân bón cũng là một yếu tố quan trọng được nhiều quốc gia lưu tâm. Trong năm 2022, Trung Quốc - một nhà sản xuất lớn - đã hạn chế xuất khẩu để kiểm soát giá trong nước sau khi mặt hàng xuất khẩu này bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt đối với đồng minh của Nga là Belarus.

Các lệnh trừng phạt đối với Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt tuy không nhắm mục tiêu cụ thể vào phân bón nhưng đã làm gián đoạn việc vận chuyển 3 loại phân bón hóa học chính nhằm duy trì sản lượng lương thực thế giới bao gồm kali, phốt pho và nitơ. Một số quốc gia như Bangladesh có thể tìm kiếm nguồn cung bổ sung từ các thị trường các như Canada, tuy nhiên vẫn còn nhiều quốc gia chưa thể tìm được nguồn cung thay thế.

Tin liên quan

Đọc tiếp