Trong thông báo ngày 31/5, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa nền tảng mua sắm trực tuyến giá rẻ Temu vào danh sách các nền tảng cần áp đặt mức độ giám sát kỹ thuật số cao nhất của khối này.
Theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu, với hơn 45 triệu người dùng hằng tháng, Temu được xếp vào nhóm những nền tảng trực tuyến lớn. Điều này đồng nghĩa rằng, từ cuối tháng 9 tới, Temu sẽ phải tuân theo các quy tắc và nghĩa vụ nghiêm ngặt nhất của DSA bao gồm đánh giá và giảm thiểu mọi rủi ro bắt nguồn từ dịch vụ của công ty như niêm yết giá, bán hàng giả, không an toàn đối với người dùng và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ủy ban châu Âu cho biết, Temu có thể đáp ứng những tiêu chí trên thông qua các biện pháp như sửa đổi giao diện để tăng cường phát hiện những trường hợp khả nghi, cải thiện quy trình kiểm duyệt để nhanh chóng loại bỏ các mặt hàng bất hợp pháp và tinh chỉnh thuật toán để ngăn chặn việc quảng cáo và bán các mặt hàng bị cấm.
Về phía Temu đã nhất trí với quyết định trên của Ủy ban châu Âu. "Chúng tôi hoàn toàn cam kết tuân thủ các quy tắc được nêu trong Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số để đảm bảo sự an toàn, minh bạch và bảo vệ người dùng của chúng tôi tại Liên minh châu Âu," phát ngôn viên của Temu tuyên bố.
Mới gia nhập thị trường châu Âu vào tháng 4/2023 nhưng Temu được đánh giá là một trong những ứng dụng phát triển nhanh nhất ở khối này nhờ cung cấp hàng hóa giá rẻ, từ quần áo đến đồ gia dụng. Tính từ đầu năm tới nay, Temu có trung bình khoảng 75 triệu người dùng hoạt động hằng tháng tại 27 quốc gia trong khối Liên minh châu Âu.
Hồi đầu tháng 5/2024, nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng châu Âu (BEUC) đã cáo buộc Temu vi phạm đạo luật DSA bằng cách thao túng người dùng để khiến họ chi tiêu nhiều hơn.
Hiện có 24 công ty công nghệ và các nhà bán lẻ trực tuyến như Facebook, Snapchat, TikTok, YouTube, Instagram, Amazon, Google Search, AliExpress, Shein hay Zalando có mặt trong danh sách các dịch vụ trực tuyến lớn nhất (hơn 45 triệu người dùng hằng tháng) chịu mức giám sát chặt chẽ nhất tại châu Âu, kể từ khi đạo luật DSA có hiệu lực vào năm ngoái.
Theo đạo luật, các công ty vi phạm có thể phải chịu mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu hoặc thậm chí có thể bị cấm hoạt động tại châu Âu nếu nhiều lần tái phạm.