EU chuẩn bị gói trừng phạt Nga vào ngày kỷ niệm một năm chiến sự

trừng phạt eu
11:40 - 03/02/2023
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị tung đòn trừng phạt thứ 10 nhắm vào Nga vào đúng ngày 24/2 - kỷ niệm một năm sự kiện Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trong cuộc họp báo ngày 2/2 với Tổng thống Ukraine tại thủ đô Kiev, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 2/2 cho biết EU sẽ áp đặt gói trừng phạt tiếp theo đối với Nga vì cuộc xung đột tại Ukraine. Đây là cuộc xung đột vũ trang lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến

"Đến ngày 24/2 - đúng một năm kể từ khi cuộc xung đột bùng phát, chúng tôi đặt mục tiêu áp dụng gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga", bà von der Leyen tuyên bố.

Nhà lãnh đạo này cho biết: "Chúng ta có thể thấy rằng tốc độ trừng phạt của châu Âu đã chậm lại một chút, trong khi Nga đang tăng tốc độ thích nghi với các lệnh trừng phạt. Việc bắt kịp và sửa chữa điều này là rất cần thiết. Tôi tin chúng ta có thể làm được".

Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine diễn ra vào ngày 3/2. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine diễn ra vào ngày 3/2. Ảnh: Reuters

Bà von der Leyen tuyên bố: "Nga phải trả giá đắt vì các lệnh trừng phạt của châu Âu đang làm xói mòn nền kinh tế nước này, đẩy lùi sự phát triển cả một thế hệ". Bà cũng tin rằng mức giá trần mà EU và G7 đang áp đặt đối với dầu mỏ của Nga khiến Moscow mất khoảng 160 triệu Euro (174 triệu USD) mỗi ngày.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng áp lực hơn nữa", bà nói.

Tháng trước, Ba Lan và Lithuania kêu gọi EU tung gói trừng phạt mới đối với Nga, trong đó nhắm vào ngành công nghiệp hạt nhân của Moscow, cấm thêm các cơ quan truyền thông Nga và tiếp tục gạt hàng loạt ngân hàng nước này khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Trong khi đó, Cộng hòa Czech đề xuất áp đặt các biện pháp trừng phạt công nghệ chặt chẽ hơn để hạn chế khả năng sản xuất vũ khí và tên lửa của Nga, đồng thời khắc phục các kẽ hở để né tránh trừng phạt, kể cả thông qua Belarus.

Nga hiện chưa đưa ra bình luận về gói trừng phạt thứ 10 của EU. Nước này đã nhiều lần phản đối các lệnh trừng phạt và cho rằng chính các nước EU cũng phải hứng chịu tác động chúng.

Trong diễn biễn liên quan, các nhà lãnh đạo EU đang ở Kiev để tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine vào ngày 3/2. Tại đây, Ukraine và EU sẽ đàm phán về nhiều vấn đề quan trọng, bao gồm khả năng để Kiev được gia nhập khối càng sớm càng tốt.

Brussels đã chỉ ra rằng chính quyền Kiev vẫn còn rất nhiều việc phải làm, cũng như phải thực hiện những cải cách quan trọng. EU cũng cho biết, Ukraine chỉ có thể gia nhập cộng đồng châu Âu sau khi cuộc xung đột trên lãnh thổ nước này kết thúc.

Trên thực tế, các quốc gia muốn gia nhập EU đều cần phải trải qua quá trình chờ đợi trong nhiều năm để có thể trở thành một ứng cử viên rồi sau đó mới tiến tới trở thành một thành viên chính thức. Một ví dụ điển hình cho việc này chính là Thổ Nhĩ Kỳ và Montenegro khi 2 nước này hiện vẫn đang trong quá trình chờ đợi nhiều năm để trở trước khi trở thành một ứng cử viên.

Quốc gia gần đây nhất gia nhập EU là Croatia vào năm 2013, một thập kỷ sau khi chính thức nộp đơn. Trong khi đó, nước láng giềng của Ukraine là Ba Lan mất 20 năm để được gia nhập EU vào năm 2004.

Tin liên quan

Đọc tiếp