Đề xuất áp trần giá khí đốt của Liên minh châu Âu gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ. Ảnh: Reuters |
Liên minh châu Âu (EU) với 27 nước thành viên trong nhiều tháng liền đã tranh luận về tính khả thi của việc hạn chế giá khí đốt tự nhiên trong bối cảnh các quốc gia này đối mặt với lạm phát cao kỷ lục. Việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu càng khiến tương lai ổn định năng lượng của khu vực thêm u ám.
Vì vậy trong bài phỏng vấn với hãng tin Reuters, Ủy viên năng lượng của EU Kadri Simson ngày 16/11 cho biết Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan soạn thảo các chính sách của EU - sẽ đề xuất mức trần giá khí đốt sau cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU vào ngày 24/11 tới.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh về biến đối khí hậu COP27 tại Ai Cập, ông Simson cho biết châu Âu “sẽ hành động nhanh chóng và chúng tôi sẽ đưa ra một đề xuất pháp lý ngay sau khi các bộ trưởng đưa ra yêu cầu”. Theo ông, việc áp trần giá khí đốt có thể giúp xoa dịu thị trường và cũng loại bỏ rủi ro cho rằng châu Âu sẽ không nhận được khí đốt nếu kế hoạch giới hạn giá được thực thi.
Trong một tài liệu được chia sẻ với các nước EU cuối ngày 15/11 về kế hoạch áp trần giá khí đốt, Ủy ban châu Âu cho biết mức giới hạn giá sẽ được kích hoạt một khi giá cả trên thị trường tăng vọt lên mức được chỉ định từ trước. Tuy không nêu rõ mức giá được áp dụng, Reuters trích dẫn tài liệu của EU cho biết nó sẽ có hiệu lực ngay lập tức nếu mức giá năng lượng cao gây ra "rối loạn thị trường ngoài ý muốn", gây tổn hại đến an ninh năng lượng của khu vực.
Ông Simson nhận định EU không muốn đình chỉ thị trường theo cách này. Tuy nhiên khi ở trong một thị trường hàng hóa toàn cầu, hàng hóa của EU sẽ không thể thu hút khách hàng trừ khi giá khí đốt cạnh tranh với các khu vực khác trên thế giới, cụ thể là thị trường châu Á.
Đề xuất áp giá trần khí đốt vẫn luôn nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều trong nội bộ các thành viên EU. Kể cả sau khi Ủy ban châu Âu đưa ra đề xuất này, việc thông qua cũng cần phải có sự đồng ý của ít nhất 15 nước thành viên.
Cụ thể, Bỉ, Ba Lan, Ý và Hy Lạp là các quốc gia đã yêu cầu Brussels đề xuất mức giá trần khí đốt trước ngày 24/11. Các nước này đồng thời đưa ra lời đe dọa sẽ chặn các chính sách khác của EU, bao gồm các quy tắc đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo nếu khối này không đưa ra đề xuất áp giá khí đốt.
Trong khi đó, các quốc gia khác bao gồm Đức - nước sử dụng khí đốt nhiều nhất châu Âu - lại cảnh báo giá trần có thể khiến các quốc gia gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung trên thị trường khí đốt quốc tế.