Chủ tịch EuroCham Alain Cany phát biểu tại Lễ ra mắt Sách Trắng năm 2023 |
Ngày 16/2, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã ra mắt Sách trắng 2022-2023 với nội dung "Nỗ lực hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, thực thi toàn diện EVFTA và hoàn tất phê chuẩn EVIPA".
Sách Trắng nhấn mạnh, phát triển bền vững không chỉ đến từ việc giảm tác động của hoạt động kinh tế đối với môi trường mà còn giúp tạo ra các cơ hội kinh tế mới, xây dựng một tương lai bền vững hơn cho cả châu Âu và Việt Nam.
Trao đổi tại buổi ra mắt, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết việc ra mắt Sách trắng và những cuộc đối thoại đi kèm mang lại cơ hội hiểu biết lẫn nhau cũng như mang lại giải pháp để phát triển các lĩnh vực liên quan.
Dựa trên những điểm chính nêu lên trong Sách trắng, các cơ quan, doanh nghiệp có thể đặt ra các tham vọng phát triển bền vững tại Việt Nam.
"Chúng tôi sẽ đưa ra các khuyến nghị về quản lý nước, chất thải, ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, công trình xanh... Ngoài ra, còn có quy định mới về thị thực, giấy phép lao động để thu hút nhân lực nước ngoài.
Bởi với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ bao gồm dòng vốn mà còn nguồn nhân lực tốt nhất", ông Alain Cany nói.
Trong khi đó, theo ông Thomas Wiersing, đại diện lâm thời Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Hiệp định EVFTA đã mang lại thành công trong thúc đẩy xuất nhập khẩu, đầu tư của cả hai bên châu Âu - Việt Nam. Việc xuất bản Sách trắng sẽ giúp tăng cường hợp tác hơn về đầu tư, thu hút vốn vào Việt Nam.
"Để thực hiện hiệu quả hơn EVFTA, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam để tận dụng tối đa lợi thế hiện có mang lại", ông Thomas Wiersing bày tỏ.
Lễ ra mắt Sách Trắng năm 2023, với chủ đề “Hướng tới Kinh tế xanh và Phát triển bền vững”. |
Việt Nam có nhiều cơ hội trong đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo, điện gió
Cũng theo nhận định tại Sách trắng, Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng trong đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo, điện gió như một giải pháp thay thế, hỗ trợ quá trình chuyển đổi của đất nước.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Stuart Livesey, đại diện Tập đoàn CIP cho hay, các nguồn năng lượng mới như điện gió ngoài khơi đòi hỏi hệ thống vận hành phải thích ứng với các đặc điểm cụ thể. Để đáp ứng yêu cầu này, mức đầu tư trung bình hàng năm vào lĩnh vực này sẽ cần hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, tính phức tạp trong thực hiện các dự án này chủ yếu do sự thiếu hụt của khung pháp lý, có thể làm chậm dòng vốn đầu tư cần thiết để đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Một số ý kiến thảo luận từ phía doanh nghiệp tại buổi ra mắt cũng bày tỏ mong đợi có được thông tin rõ ràng hơn về Quy hoạch phát triển điện lực của Việt Nam (Quy hoạch điện VIII) và kế hoạch liên quan đến các chính sách, nhanh chóng xây dựng khung pháp lý và chính sách để cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào năng lượng quốc gia.