EVNGenco 3 là nhà cung cấp điện lớn thứ 2 trên thị trường, sau công ty mẹ EVN. |
Sau phiên khớp lệnh xác định giá mở cửa PGV đã tăng hơn 12% lên 44.400 đồng. Vốn hoá thị trường theo đó tăng từ hơn 44.350 tỷ đồng lên xấp xỉ 50.000 tỷ đồng, tiệm cận nhóm 30 doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất thị trường.
EVNGenco 3 thành lập năm 2012, sau đó chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM từ năm 2018. Công ty có vốn điều lệ hơn 11.234 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là cổ đông lớn nhất nắm giữ 99,19% cổ phần của đơn vị.
Tổng công suất các nhà máy điện thuộc EVNGenco 3 xấp xỉ 6.560 MW, tương ứng khoảng 8,6% công suất của hệ thống điện cả nước, là nhà cung cấp điện lớn thứ 2 trên thị trường, sau công ty mẹ EVN.
Công ty đang vận hành các nhà máy điện công suất lớn như Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 4, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Mông Dương 1, Thủy điện Buôn Kuốp, Điện mặt trời Vĩnh Tân 2… Trong đó, Nhiệt điện Phú Mỹ có công suất lớn nhất (2.540 MW). EVNGenco 3 còn có EVNGenco 3 Power Service, là đơn vị chuyên thực hiện dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện.
Ngoài ra, EVNGenco 3 cũng đang sở hữu hai công ty con với tỷ lệ trên 50% đều đang niêm yết cổ phiếu trên sàn gồm Nhiệt điện Bà Rịa (79,56%) và Nhiệt điện Ninh Bình (54,76%); nắm giữ trên 30% vốn tại ba công ty liên kết gồm Thuỷ điện Thác Bà, Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Sê San 3A.
Kết quả hoạt động kinh doanh của EVNGenco 3 tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 cho biết, doanh thu thuần trong quý của đơn vị giảm nhẹ 300 tỷ, đạt mức 9.300 tỷ đồng so với 9.600 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2021 của Tổng công ty Phát điện 3 – EVNGenco 3 |
Giá vốn cũng giảm nên lợi nhuận trước thuế tăng 60 tỷ so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 891 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gần 20 tỷ, đạt mức 584 tỷ đồng.
Năm 2021, công ty ghi nhận sản lượng điện sản xuất đạt 29,6 tỷ kWh, chiếm 11,53% sản lượng điện toàn hệ thống. Tính đến ngày 31/12/2021, các khoản nợ phải trả giảm 6.000 tỷ đồng so với con số đầu năm.
Trong năm, công ty có khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng gấp đôi con số đầu năm và tăng thêm vốn đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết, góp vốn vào công ty khác.
Doanh thu thuần cả năm 2021 đạt xấp xỉ 37.700 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ, giảm nhẹ so với con số chỉ tiêu đặt ra 39,791 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của EVNGenco 3 đạt mức cao kỷ lục hơn 3.133 tỷ đồng so với mục tiêu khiêm tốn 1.311 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm đạt 69.262 tỷ đồng, giảm hơn 3.600 tỷ đồng so với đầu năm.
Theo bản cáo bạch, công ty dự kiến sản lượng điện năm 2022 đạt 31,5 tỷ kWh. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt đạt 43.714 tỷ đồng và 1.372 tỷ đồng. Mức cổ tức dự kiến là 7%.
Chốt phiên giao dịch đầu tiên trên sàn HoSE, thị giá PGV đang ở mức 42.000 đồng/cp với khối lượng giao dịch 182.100 cổ phiếu được khớp lệnh. Vốn hóa thị trường cuối phiên đạt 47.185 tỷ đồng. Nếu so sánh với “đại gia” của ngành năng lượng POW thì PGV cũng có mức vốn hóa cao hơn 3.000 tỷ đồng.