Hai dự án được kết kết hợp đồng vay vốn gồm: Dự án lắp máy biến áp 500kV-900MVA thứ 2 và máy biến áp 220kV - 250MVA thứ 2 trạm biến áp 500kV Chơn Thành với giá trị 350 tỷ đồng và Dự án lắp máy biến áp 500kV thứ 2 và máy biến áp 220kV trạm biến áp 500kV Đức Hòa và đấu nối với giá trị 470 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư của dự án lắp máy biến áp 500kV-900MVA thứ 2 và máy biến áp 220kV - 250MVA thứ 2 trạm biến áp 500kV Chơn Thành nhằm đảm bảo nguồn cung cấp điện cho các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; góp phần giải tỏa công suất các Trung tâm Điện lực Long Phú, Sông Hậu.
Ký kết hợp đồng tài trợ dự án Lắp máy biến áp 500kV thứ 2 và máy biến áp 220kV TBA 500kV Đức Hòa và đấu nối. Nguồn: VGP. |
Dự án cũng nhằm nâng cao độ tin cậy hệ thống truyền tải điện, tăng khả năng cung cấp nguồn điện 500kV, 220kV đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho khu vực kinh tế trọng điểm TP HCM và tỉnh Long An.
Việc đầu tư của dự án lắp máy biến áp 500kV thứ 2 và máy biến áp 220kV trạm biến áp 500kV Đức Hòa và đấu nối nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định lâu dài, tin cậy cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Dương và khu vực lân cận.
Cả hai dự án đều được khởi công vào tháng 12/2023, dự kiến hoàn thành đóng điện quý 4/2025.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Đặng Trung Dũng, Phó Tổng giám đốc thường trực Ngân hàng TMCP Bắc Á bày tỏ, được đồng hành cùng EVNNPT trong quá trình phát triển hệ thống truyền tải điện trên toàn quốc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước là một vinh dự của ngân hàng này.
"Ngoài tài trợ tín dụng, BAC A BANK rất mong muốn hợp tác toàn diện với EVNNPT qua việc cung cấp đồng bộ các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng, sẵn sàng đảm nhận vai trò tổ chức cho vay lại các dự án ODA đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với mục tiêu góp phần cho sự phát triển của hệ thống truyền tải điện," ông Dũng nói.
Ký kết hợp đồng tài trợ dự án Lắp máy biến áp 500kV- 900MVA thứ 2 và máy biến áp 220kV - 250MVA thứ 2 TBA 500kV Chơn Thành. Nguồn: VGP. |
Về phía EVNNPT, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Tân nhấn mạnh, khoản vay này sẽ giúp EVNNPT cân đối một phần nhu cầu vốn đầu tư, đa dạng hóa các hình thức vay vốn để EVNNPT chủ động, linh hoạt hơn trong các cách thức tiếp cận các phương thức huy động vốn trên thị trường tài chính.
"EVNNPT cam kết trách nhiệm của mình với từng đối tác, luôn tuân thủ các quy định của nhà nước, chuẩn mực quốc gia và quốc tế, minh bạch trong mọi hoạt động, hướng tới hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.
Đồng thời, EVNNPT cũng mong muốn BAC A BANK đồng hành cùng với EVNNPT trong việc thu xếp vốn để hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng, đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước," ông Tân cho hay.
EVNNPT là đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có nhiệm vụ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện trên toàn quốc liên tục, an toàn, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.
Nhu cầu đầu tư hàng năm của EVNNPT là rất lớn, giai đoạn 2024 - 2030, EVNNPT dự kiến đầu tư cho lưới điện truyền tải khoảng 128.130 tỷ đồng (bình quân 18.000 tỷ đồng/năm).
Gỡ vướng cho các dự án lưới điện
Trong một diễn biến liên quan, chiều ngày 6/11, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương, EVN và một số đơn vị liên quan về tình hình triển khai các dự án lưới điện.
Toàn cảnh phiên họp chiều 6/11. Nguồn: Bộ Công Thương. |
Sau khi nghe các ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kết luận, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều công việc vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra như: các dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất các NMNĐ Nhơn Trạch 3 và 4 chưa có chuyển biến và đã không bàn giao mặt bằng trong tháng 10/2024 như cam kết của Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai; Dự án Đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống và Dự án trạm cắt 220 kV Đắk Ooc và đấu nối không thể hoàn thành trong tháng 10/2024; một số công việc cụ thể khác vẫn chưa hoàn thành như đã thống nhất tại cuộc họp kỳ trước.
Do đó, đối với Dự án đường dây 500 kV Monsoon – Thạnh Mỹ và Dự án trạm cắt 220 kV và đường dây 220 kV đấu nối, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo UBND huyện Nam Giang tăng cường tuyên truyền, vận động 56 hộ dân xã Tà Pơ và xã Tà Bhing có đất rẫy canh tác thuộc đất rừng tự nhiên không cản trở nhà thầu thi công kéo dây của Dự án đường dây 500 kV Monsoon – Thạnh Mỹ.
Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư và UBND huyện Nam Giang khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý các cây ngã đổ và có nguy cơ ngã đổ vào các vị trí móng của Dự án trạm cắt 220 kV và đường dây 220 kV đấu nối và trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trước ngày 15/11/2024.
Đối với Dự án đường dây 220 kV Nậm Sum – Nông Cống, Bộ trưởng Diên đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND huyện Quế Phong sớm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 112 hộ dân có đất trong hành lang an toàn, làm cơ sở để phục vụ đóng điện công trình trước 15/11/2024.
Đối với các dự án lưới điện giải tỏa công suất Dự án NMNĐ Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành phê duyệt bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Nhơn Trạch, làm căn cứ triển khai các thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Khẩn trương ban hành quyết định về trình tự thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, giá đất, giá cây trồng vật kiến trúc theo Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và các Nghị định hướng dẫn của Luật Đất đai.
UBND huyện Nhơn Trạch và UBND huyện Long Thành triển khai sớm các thủ tục về bồi thường giải phóng mặt bằng; tiến hành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu để triển khai thi công trong tháng 11/2024.
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường dây 220 kV TBA 500 kV Long Thành - Công nghệ cao trước ngày 15/11/2024 để triển khai các thủ tục tiếp theo.
Đối với Dự án đường dây 500 kV Lào Cai – Vĩnh Yên, Bộ trưởng Công Thương đề nghị UBND các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Vĩnh Phúc giữ nguyên hướng tuyến đã được thỏa thuận, tránh quy hoạch hoặc phê duyệt các dự án khác đi qua hướng tuyến của dự án dẫn đến phải điều chỉnh hướng tuyến, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, phối hợp với EVN khẩn trương triển khai ngay các thủ tục về đầu tư tiếp theo theo quy định, đảm bảo tiến độ của dự án.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Nguồn: Bộ Công Thương. |
Đặc biệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho EVN, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu tập đoàn này tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương khẩn trương xử lý các vấn đề về giải phóng mặt bằng, đồng thời có phương án khắc phục khó khăn, đẩy nhanh công tác thi công các dự án lưới điện nhập khẩu điện từ Lào, đảm bảo hoàn thành toàn bộ các dự án trong tháng 11/2024.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường phối hợp với UBND các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập trung xử lý vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất NMNĐ Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.
Chỉ đạo các nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, vật tư đẩy nhanh công tác thi công trên công trường các dự án. Có biện pháp thi công phù hợp với điều kiện thời tiết và địa hình, đảm bảo hiệu quả và tuyệt đối an toàn.
Nghiên cứu điều chỉnh tiến độ, tập trung nguồn lực để khẩn trương triển khai ngay các bước tiếp theo của Dự án đường dây 500 kV Lào Cai – Vĩnh Yên, phấn đấu khởi công trước 30/4/2025.