Ảnh minh họa: VGP |
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực thực phẩm thế giới trong tháng 12/2023 giảm so với tháng trước, với giá đường giảm mạnh nhất.
Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc tăng 1,5% so với tháng 11, với giá lúa mì, ngô, gạo và lúa mạch đều tăng, phản ánh phần nào sự gián đoạn về logistic gây cản trở việc vận chuyển từ các nước xuất khẩu lớn. Trong cả năm 2023, chỉ số này thấp hơn 15,4% so với mức trung bình năm 2022, do nguồn cung toàn cầu dồi dào, mặc dù chỉ số giá gạo đã tăng 21%, phần lớn là do tác động của El Nino đến sản xuất lúa gạo và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Ngược lại, chỉ số giá dầu thực vật giảm 1,4% so với tháng trước, phản ánh nhu cầu mua đối với dầu cọ, đậu nành, hạt cải dầu và hạt hướng dương giảm, đặc biệt là dầu đậu nành bị ảnh hưởng bởi nhu cầu chậm lại từ ngành dầu diesel sinh học cũng như điều kiện thời tiết cải thiện tại các khu vực trồng chính của Brazil. Trong cả năm 2023, chỉ số này thấp hơn 32,7% so với mức trung bình năm trước.
Chỉ số giá đường giảm 16,6% so với tháng 11, chạm mức thấp nhất trong 9 tháng mặc dù vẫn tăng 14,9% so với tháng 12/2022. Giá đường giảm chủ yếu do tốc độ sản xuất mạnh mẽ ở Brazil, cùng với việc giảm sử dụng đường mía để sản xuất ethanol ở Ấn Độ.
Chỉ số giá thịt giảm 1% so với tháng 11, xuống mức thấp hơn 1,8% so với tháng 12/2022. Giá thịt giảm do nhu cầu nhập khẩu thịt lợn suy yếu liên miên của châu Á. Nhu cầu mua thịt bò và gia cầm trong khu vực cũng chậm lại mặc dù nguồn cung có thể xuất khẩu dồi dào ở các khu vực sản xuất lớn. Ngược lại, giá thịt cừu lại tăng trước kỳ nghỉ Năm mới.
Đi ngược lại xu hướng này, chỉ số giá sữa đã tăng 1,6% so với tháng trước, mặc dù vẫn thấp hơn 16,1% so với giá trị tháng 12/2022. Sự gia tăng hàng tháng chủ yếu do giá bơ và pho mát cao hơn nhờ được củng cố bởi doanh số bán hàng nội địa mạnh mẽ ở Tây Âu trước kỳ nghỉ lễ. Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu toàn cầu mạnh mẽ đã khiến giá sữa bột nguyên kem quốc tế tăng lên