Fecon lùi thời gian thanh toán cổ tức vì dòng tiền đang khó khăn

Fecon Xây dựng
16:25 - 25/10/2022
Fecon cho rằng diễn biến của thị trường xây dựng đang không thuận lợi.
Fecon cho rằng diễn biến của thị trường xây dựng đang không thuận lợi.
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Fecon (mã chứng khoán FCN) ngày 25/10 công bố thông báo nghị quyết HĐQT về việc thay đổi thời gian thanh toán cổ tức năm 2021 bằng tiền. Ngày thanh toán đã thông báo là 28/10/2022, ngày điều chỉnh là 16/1/2023.

Trước đó, vào tháng 9 vừa qua, HĐQT công ty đã phê duyệt việc trả cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 3%. Với hơn 157,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, ước tính công ty sẽ chi khoảng 47 tỷ đồng cho lần trả cổ tức này.

Giải trình về lý do lùi thời gian thanh toán cổ tức, Fecon cho biết, trong quý 4/2022, hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi của công ty gặp nhiều khó khăn do diễn biến của thị trường xây dựng và hoạt động tín dụng chung không thuận lợi.

Theo FCN, các hoạt động đầu tư đang ngừng trệ do nguồn vốn tín dụng khó khăn. Do đó, các hợp đồng mới dự kiến ký kết của công ty đều bị chậm tiến độ. Điều này ảnh hưởng đến dòng tiền dự kiến thu hồi trong các tháng cuối năm.

Doanh nghiệp giải thích thêm, trong giai đoạn cuối năm, với việc siết chặt hoạt động tín dụng của các ngân hàng và tổ chức tín dụng, room giải ngân bị hạn chế, mặt bằng lãi suất tăng nhanh và mạnh. Trong khi đó, đây là nguồn tài trợ vốn để Fecon cũng như các chủ đầu tư, tổng thầu có thể triển khai dự án, hợp đồng xây dựng đã ký kết.

Việc này dẫn đến tiến độ thực hiện và nguồn thu tiền về từ các dự án bị chậm, chi phí tài chính tăng cao, ảnh hưởng nặng đến kế hoạch cân đối thu chi của Fecon.

Cổ phiếu FCN trên sàn đã về dưới mệnh giá.

Cổ phiếu FCN trên sàn đã về dưới mệnh giá.

Hiện Fecon chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022. Theo kết quả bán niên, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 1.540 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, dưới sức ép chi phí nguyên liệu, nhân công tăng cao, Fecon chỉ báo lãi có 1,2 tỷ đồng, giảm 98% cùng kỳ.

Mới đây, FCN đã thông qua giao dịch chuyển nhượng cổ phần để thoái toàn bộ vốn đầu tư tại CTCP Năng lượng Vĩnh Hảo 6 (Năng lượng Vĩnh Hảo 6) thuộc sở hữu của Fecon và CTCP Năng lượng Fecon (Fecon Power).

Năng lượng Vĩnh Hảo 6 hiện có vốn điều lệ 405 tỷ đồng, tính đến cuối quý 2/2022, Fecon sở hữu 40% cổ phần, còn lại 60% thuộc về ACWA Power (đối tác từ Ả rập Xê út). Giá trị ghi sổ của Fecon tại đây là 162 tỷ đồng.

Năng lượng Vĩnh Hảo 6 (Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) được thành lập vào năm 2018, là đơn vị trực tiếp thực hiện, quản lý và vận hành dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Dự án này được phát triển từ năm 2016, là bước đầu trong chiến lược mở rộng đầu tư vào hạ tầng năng lượng của Fecon; có tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng.

Nếu việc thoái vốn diễn ra thành công, nhiều khả năng Fecon sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng của năm nay với doanh thu hợp nhất tới 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 280 tỷ đồng; tăng lần lượt 44% và 296% so với kết quả thực hiện năm 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.