Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT Fecon. |
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Fecon (mã FCN) tổ chức sáng 16/4, chia cổ tức là một trong những vấn đề cổ đông chất vấn ban lãnh đạo công ty này.
Vào tháng 4/2023, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Fecon đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 5%. Tuy nhiên đến tháng 10/2023, công ty thông báo phải chờ đến quý 1/2024 mới có thể thanh toán cổ tức năm 2022. Sự chậm trễ này đến từ diễn biến không thuận lợi của thị trường chung, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi năm 2023 của công ty gặp nhiều khó khăn.
Đến đầu tháng 2/2024, công ty tiếp tục thay đổi việc trả cổ tức, sẽ không thực hiện trả một lần duy nhất mà chia làm 2 đợt, lần lượt vào ngày 29/03/2024 (thanh toán tỷ lệ 1%) và tháng 12/2024 (thanh toán 4% còn lại).
Trả lời chất vấn cổ đông về sự chậm trễ này, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT Fecon cho biết, năm 2023, công ty mang về lợi nhuận gộp tốt vì tập trung các dự án cốt lõi. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại âm do chi phí tài chính quá lớn. Fecon đầu tư vào một số danh mục tài chính và chưa thoái vốn được, trong khi dòng tiền đầu tư vay từ ngân hàng nhiều. Bên cạnh đó, công ty còn gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ tại các công trình xây dựng.
“Tiền lãi đều phải mang đi trả ngân hàng. Lợi nhuận âm và dòng tiền khó khăn nên công ty không sẵn sàng nguồn tiền trả cổ tức. Tuy nhiên chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đúng như đã công bố, trả nốt cổ tức vào quý 4/2024. Hi vọng từ 2025 tình hình khởi sắc trở lại, công ty sẽ không phải nợ cổ tức nữa,” ông Khoa nói.
Thị trường cạnh tranh rất khốc liệt
Năm nay, Fecon đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2023 và là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động; lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với số lỗ 42 tỷ đồng của năm trước. Với kết quả thua lỗ năm 2023, công ty đề xuất không chia cổ tức cho năm này. Năm 2024, HĐQT đề xuất mức cổ tức tối đa 5% vốn điều lệ bằng tiền.
ĐHĐCĐ Fecon: Mục tiêu doanh thu cao kỷ lục sau năm 2023 thua lỗ
Nêu cơ sở cho kế hoạch doanh thu cao kỷ lục, ông Phạm Việt Khoa cho biết, đây là mục tiêu khả thi do năm 2024 Fecon đã ký các hợp đồng khá lớn.
Điển hình là dự án cảng Lạch Huyện 5-6 Hải Phòng, dự án Vũng Áng 2 Hà Tĩnh (1.000 tỷ đồng), dự án hạ tầng VSIP Cần Thơ, gói thầu đường sắt đô thị từ 4-5 năm trước khi có mặt bằng, các dự án dân dụng đã ký từ cuối năm 2023 tại Quảng Ninh.
“Năm nay chúng tôi xác định sẽ phải đạt kế hoạch,” ông Khoa nói.
Lý giải việc đặt mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ ở mức 60 tỷ đồng, Chủ tịch FCN thừa nhận các hợp đồng lớn đều ký vào thời điểm thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, do đó lợi nhuận tạo ra từ công tác thi công không có nhiều.
“Chúng tôi kỳ vọng sắp tới các dự án có hàm lượng công nghệ cao sẽ lấy được lợi nhuận trong thời gian tới. Thực tế, trên thị trường có những công ty xây dựng đạt doanh thu 10.000 tỷ nhưng lợi nhuận cũng chỉ vài chục tỷ đồng,” ông Phạm Việt Khoa lý giải.