Trình diễn nghề dệt thổ cẩm tại Hội chợ làng nghề 2022. Ảnh: Phương Thảo.

Festival Làng nghề Việt Nam 2022: Cuộc phô diễn của tinh hoa hàng Việt

Làng nghề OCOP
10:23 - 03/11/2022
Hội chợ Làng nghề và Sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 là hoạt động chính của chuỗi sự kiện “Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022” do Bộ NN&PTNT chủ trì tổ chức, từ 2/11 – 6/11.

Đây là sự kiện thường niên của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), được tổ chức nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề truyền thống, nghệ nhân, thợ giỏi có sản phẩm tiêu biểu.

Đây cũng là dịp các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo cả nước phô diễn sản phẩm tinh hoa truyền thống của mình, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản các địa phương với kênh tiêu thụ truyền thống và hiện đại.

Phát biểu tại lễ khai mạc Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022 tối 2/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, Việt Nam có hàng ngàn làng nghề truyền thống lâu đời, với lớp lớp các thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi. Từ những nguyên liệu thô sơ, các nghệ nhân, thợ giỏi với sự khéo léo, tỉ mỉ, tài hoa đã tạo ra những sản phẩm mang lại cho người xem nhiều cảm xúc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm các gian hàng OCOP và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Phương Thảo

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm các gian hàng OCOP và sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Ảnh: Phương Thảo

"Mỗi người không chỉ nhìn những sản phẩm thủ công mỹ nghệ một cách thông thường mà hãy lắng đọng suy tư để cảm nhận được hồn, cốt, tinh hoa của sản phẩm, tác phẩm, cao hơn là cảm nhận về làng nghề đã tạo ra nó", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Ghi nhận đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi đang miệt mài đưa hơi thở cuộc sống, các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống Việt Nam... vào từng tác phẩm, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, mỗi người Việt Nam nên có trách nhiệm nâng niu, trân trọng những tác phẩm, sản phẩm, làng nghề, coi đó là một báu vật, di sản cần bảo vệ, giữ gìn cho thế hệ mai sau.

Ảnh: Phương Thảo
Ảnh: Phương Thảo

"Vật liệu có thể mộc mạc như cục đất, cây tre, nứa, lá, khúc gỗ... nhưng qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi, chúng đã trở thành những sản phẩm có hồn. Làm được điều đó, những nghệ nhân đã gửi gắm tất cả trí tuệ, tài hoa, sức sáng tạo, khát vọng vào trong sản phẩm”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

“Do đó, hãy nhìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ là tinh hoa của đất nước, tâm hồn của người Việt, để sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tự tin đặt ngang hàng với các sản phẩm của các nước trên thế giới.

Chúng ta sẽ nói với thế giới rằng, người Việt có thể làm được tất cả các sản phẩm mà các nước làm được, thậm chí còn làm tốt hơn, tinh tế hơn. Bởi lẽ, sản phẩm đó được tạo ra bằng giá trị Việt, tâm hồn Việt và con người Việt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tâm sự.

Quy mô 150 gian hàng với nhiều sản phẩm nghề truyền thống

Hội chợ Làng nghề và Sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 là một trong các hoạt động chính của Festival làng nghề lần này. Tham gia trưng bày có các sở NN&PTNT, các làng nghề, phố nghề truyền thống, văn phòng nông thôn mới, trung tâm khuyến nông, trung tâm xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp, HTX, các tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, đến từ 22 tỉnh/thành phố trong cả nước.

Trưng bày sản phẩm OCOP của TP Hà Nội. Ảnh: Phương Thảo

Trưng bày sản phẩm OCOP của TP Hà Nội. Ảnh: Phương Thảo

Là một trong các cơ sở làng nghề tham gia trưng bày sản phẩm ở hội chợ, chia sẻ với Mekong ASEAN, nghệ nhân Phạm Thị Thuận đến từ cơ sở dệt lụa Mỹ Đức, Hà Nội cho biết, sinh ra trong một gia đình truyền thống lâu đời có nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa nên nên bà rất mong muốn sản phẩm tơ tằm được giữ gìn và lưu truyền cùng với thời gian.

Được mệnh danh là người dệt lụa từ tơ sen trứ danh nhiều người biết đến, nghệ nhân Thuận chia sẻ mong muốn mang đến hội chợ cách dệt lụa độc đáo, biến những con tằm trở thành thợ tự dệt lụa.

Nghệ nhân Phạm Thị Thuận đang thực hiện kỹ thuật tách sợi từ thân cây sen. Ảnh: Phương Thảo.

Nghệ nhân Phạm Thị Thuận đang thực hiện kỹ thuật tách sợi từ thân cây sen. Ảnh: Phương Thảo.

“Tôi đã tìm ra cách này từ năm 2010, đến năm 2012 đăng ký độc quyền sáng chế và được nhiều khách hàng yêu thích. Tôi rất yêu cái nghề truyền thống của mình và mong muốn được nhiều khách hàng gần xa biết đến để cùng bảo tồn, lưu giữ và thưởng thức”, bà Thuận tâm sự.

Hội chợ lần này được tổ chức với quy mô 150 gian hàng tiêu chuẩn và 1.200m2 sàn trưng bày được thiết kế đặc biệt, chia thành 3 khu vực riêng biệt, gồm:

Gian hàng triển lãm chung, có diện tích 200m2, được bố trí tại khu vực trung tâm hội chợ với thiết kế, trang trí đặc biệt nhằm trưng bày, tôn vinh các làng nghề truyền thống như: Mỹ nghệ kim hoàn; Gốm sứ, Điêu khắc chạm khảm từ đá, gỗ, sừng, sơn mài; Thêu, dệt thổ cẩm, lụa…

Khu thao diễn nghề và biểu diễn nghệ thuật có quy mô 100m2 được trang trí đặc biệt với các hình ảnh tiêu biểu của làng nghề Việt Nam.

Trình diễn nghề gốm sứ. Ảnh: Phương Thảo.

Trình diễn nghề gốm sứ. Ảnh: Phương Thảo.

Khu gian hàng hội chợ gồm 150 gian hàng tiêu chuẩn và 900m2 sàn trưng bày được phân chia thành 6 phân khu gắn theo phân vùng kinh tế - xã hội, bao gồm: Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong mỗi phân khu sẽ bố trí khu vực gian hàng riêng để các địa phương, tổ chức, đơn vị trực tiếp trưng bày và giới thiệu sản phẩm, xây dựng không gian quảng bá, giới thiệu sản phẩm, văn hoá địa phương, trải nghiệm, thử nếm sản phẩm, đặc sản vùng miền.

Một trong các sản phẩm đạt giải 2022. Ảnh: Phương Thảo.

Một trong các sản phẩm đạt giải 2022. Ảnh: Phương Thảo.

Hội chợ cũng sẽ trưng bày nhiều mặt hàng nông lâm thủy hải sản, lương thực, thực phẩm, trái cây đặc sản vùng miền và hàng thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước.

Sản phẩm tham gia trưng bày đều đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm hữu cơ.

Cũng tại lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao 48 giải thưởng Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho các tác phẩm, tác giả đạt giải.

Lễ trao giải 48 sản phẩm thủ công, mỹ nghệ. Ảnh: Phương Thảo.

Lễ trao giải 48 sản phẩm thủ công, mỹ nghệ. Ảnh: Phương Thảo.

Đây là hội thi mang tính Quốc gia, các giải thưởng nhằm động viên, khuyến khích, tôn vinh, phát huy ý tưởng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi, nhà thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Hội thi cũng là môi trường để các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm... Từ đó, góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lan toả các giá trị truyền thống đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Festival Làng nghề Việt Nam 2022 diễn ra từ 2-6/11, tại Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.

Đọc tiếp