Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, năm 2021. Ảnh: AFP |
Tờ Financial Times (FT) ngày 6/4 đưa tin, Mỹ, Đức và Hungary đang phản đối những nỗ lực từ các đồng minh, trong đó có Ba Lan và các nước vùng Baltic, nhằm cung cấp cho Ukraine lộ trình trở thành thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius vào tháng 7.
Theo FT, vấn đề trên đã được tranh luận trong một cuộc họp của các ngoại trưởng NATO trong tuần này.
Tất cả 31 thành viên NATO đều đồng ý rằng Ukraine không thể gia nhập khối quân sự trong thời gian ngắn, cũng như không thể thảo luận nghiêm túc về vấn đề này khi cuộc xung đột Nga – Ukraine đang diễn ra. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tuần này đã bộc lộ sự chia rẽ rõ ràng về tầm nhìn của NATO đối với Kiev thời hậu chiến.
Mỹ được cho là đang phản đối nỗ lực của EU để Ukraine tham gia NATO. Ảnh: Getty Images |
Tờ báo cho biết, việc cho phép Ukraine gia nhập NATO vẫn nằm trong chính sách của Mỹ, nhưng lập trường của chính quyền Tổng thống Joe Biden là hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp.
“Để giải quyết câu hỏi khi nào và làm thế nào để kết nạp Ukraine vào khối, như Tổng thư ký NATO đã nhấn mạnh, chúng ta phải ‘đảm bảo rằng Ukraine phải là quốc gia độc lập, có chủ quyền’”, một quan chức Mỹ giấu tên nói với FT.
Năm 2008, NATO từng “hoan nghênh” nguyện vọng trở thành thành viên của Ukraine, nhưng Kiev đã không đạt được tiến bộ nào về vấn đề này. Khi đó, Mỹ đang thúc đẩy việc trao cho Kiev một lộ trình rõ ràng và một kế hoạch hành động để trở thành thành viên, nhưng Pháp và Đức đã phản đối vì lo ngại rằng một bước đi như vậy sẽ khiêu khích Nga, theo FT.
Các nhà ngoại giao NATO tham dự các cuộc đàm phán trong tuần này đã không thể đạt được thỏa thuận về những bước đi của Ukraine. Một quan chức cho biết họ sẽ có vài tuần đàm phán khó khăn để thu hẹp những khác biệt trong quan điểm của các bên để tạo ra một kết quả chính trị. Trong khi đó, một người khác nói rằng: “Hành trình đến Vilnius của Ukraine rất khó khăn”.
FT cho biết, Washington đang lo ngại việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ của khối với Ukraine vào thời điểm này sẽ dẫn đến việc Nga cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại là xung đột giữa Moscow và NATO. Điều đó cũng có thể thúc đẩy Nga leo thang xung đột bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/4 nói với Insider rằng Washington đang tập trung "vào việc làm những gì cần làm để giúp Ukraine tự bảo vệ mình trước cuộc chiến với Nga”. Người phát ngôn cho biết, Washington cũng vẫn cam kết cho phép Ukraine một ngày nào đó gia nhập NATO.
“Điều đó sẽ không có gì thay đổi. Nhưng chúng ta phải tập trung cao độ vào thời điểm này - trong những tuần và tháng tới, đặc biệt là khi Ukraine chuẩn bị cho một cuộc phản công một lần nữa để cố gắng tái chiếm nhiều lãnh thổ hơn, cũng như cần thực hiện những công việc cần thiết để giúp Ukraine đạt tiêu chuẩn của NATO”, người phát ngôn nói.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 6/4 ở Brussels, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh rằng chính sách mở cửa của NATO đối với Ukraine vẫn không thay đổi và phương Tây đang tập trung vào các biện pháp thiết thực cần thiết để đưa Ukraine tuân thủ các tiêu chuẩn của khối.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh James Cleverly nói với tờ Politico rằng việc Ukraine gia nhập NATO không phải là nhiệm vụ ưu tiên vào lúc này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty Images |
Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ được tổ chức tại Vilnius, Lithuania vào tháng 7. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông sẽ chỉ tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius nếu được đưa ra các bước cụ thể để gia nhập NATO, chẳng hạn như đảm bảo an ninh và hợp tác sâu hơn với khối quân sự.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng nói rằng không thể đẩy nhanh quá trình vì quyết định về tư cách thành viên của Kiev và phải đạt được sự đồng thuận của tất cả các đồng minh NATO.
Hồi tháng 10/2022, Ủy viên phụ trách thị trường nội địa của Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton cho biết Kiev không thể gia nhập NATO chừng nào xung đột quân sự vẫn tiếp diễn trên lãnh thổ nước này.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày tuyên bố Moscow đang theo dõi chặt chẽ tình hình xung quanh nỗ lực gia nhập NATO của Kiev và nhắc lại rằng nguyện vọng gia nhập liên minh của Ukraine là một trong những lý do dẫn đến việc nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
Các quan chức Nga cho biết, Mỹ và các đồng minh NATO từng hứa sau khi Liên Xô tan rã sẽ không mở rộng khối này sang khu vực Đông Âu. Nhưng kể từ đó, NATO đã kết nạp thêm 15 thành viên mới, tất cả đều là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ hoặc một phần của các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw.