FPT Retail lập kỷ lục doanh thu nhưng lợi nhuận ‘đi lùi’ vì gánh nặng chi phí

FPT Retail bán lẻ
22:05 - 30/01/2023
FPT Retail tăng tốc mở rộng chuỗi Long Châu trong năm 2022.
FPT Retail tăng tốc mở rộng chuỗi Long Châu trong năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù lập kỷ lục mới về doanh thu nhưng do các khoản chi phí tăng cao nên lợi nhuận của FPT Retail vẫn “đi lùi” so với năm 2021.

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) công bố báo quý 4/2022 ghi nhận doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.491 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, công ty thu về hơn 1.330 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 5%. Tuy nhiên doanh thu tài chính sụt giảm gần một nửa trong khi các khoản chi phí đều tăng cao. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của FRT chỉ còn 97 tỷ đồng, giảm 71% so với quý 4/2021.

Theo giải trình từ phía công ty, trong quý 4/2022, FRT đối mặt với nhiều bất lợi đến từ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt mở bán sản phẩm mới của Apple, sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô, chi phí tài chính liên tục tăng cao do lãi suất tăng và căng thẳng thị trường vốn... Những nguyên nhân đó dẫn đến kết quả kinh doanh năm của FPT Shop không đạt như kỳ vọng, bất chấp 9 tháng đầu năm rất tốt.

Với FPT Long Châu, do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng dược phẩm ít bị ảnh hưởng hơn, cùng với việc nhanh chóng mở rộng vùng phủ, chuỗi nhà thuốc đã có kết quả kinh doanh tích cực.

Luỹ kế năm 2022, FRT vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh về doanh thu với 30.166 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ, hoàn thành 112% kế hoạch năm. Đây cũng là mức doanh thu kỷ lục của công ty kể từ khi hoạt động. Trong đó, chuỗi FPTShop đạt doanh thu 20.689 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ; doanh thu chuỗi Long Châu đạt 9.596 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021.

Mặc dù vậy, do các khoản chi phí tăng cao nên lợi nhuận sau thuế đạt 398 tỷ đồng, giảm 10% so với kết quả năm 2021. Đáng chú ý, chi phí bán hàng tăng tới hơn 1.000 tỷ đồng so với năm trước, lên mức 3.260 tỷ đồng. Chi phí lãi vay chiếm 232 tỷ đồng, so với cùng kỳ 132 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2022, công ty đang vay nợ ngắn hạn hơn 5.300 tỷ đồng, chiếm 51% tổng nguồn vốn; giảm hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm. Qua đó kéo giảm tổng nợ phải trả từ hơn 9.100 tỷ đồng xuống hơn 8.400 tỷ đồng.

Tổng tài sản của công ty là hơn 10.400 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản tiền mặt và tiền gửi giảm từ gần 3.000 tỷ đồng xuống hơn 1.800 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm mạnh về hơn 600 tỷ đồng, từ mức gần 2.000 tỷ đồng. Ngược lại, hàng tồn kho tăng mạnh từ gần 5.000 tỷ đồng lên hơn 6.500 tỷ đồng. Tài sản dài hạn cũng tăng gần gấp đôi lên mức 1.024 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2022, chuỗi FPT Shop có 786 cửa hàng, tăng thêm 139 cửa hàng so với đầu năm 2022, vượt kế hoạch mở mới năm 2022. Chuỗi Long Châu nhanh chóng đưa số lượng cửa hàng thuốc có doanh thu lên 937 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành, mở mới 537 nhà thuốc so với đầu năm, vượt xa kế hoạch mở mới đề ra đầu năm 2022.

Theo FRT, trong năm 2022, sau khi tập trung đẩy mạnh bán gia dụng bán trong các cửa hàng FPTShop, số lượng cửa hàng FPTShop bán đồ gia dụng đạt 280 cửa hàng tại cuối năm 2022, dự kiến đạt 300 cửa hàng trong quý 1/2023.

Việc đưa hàng gia dụng vào các cửa hàng hiện hữu giúp tận dụng traffic, tăng doanh thu trên cửa hàng và cải thiện mức lãi gộp biên của toàn chuỗi FPTShop. Trong năm tới, gia dụng sẽ tiếp tục là ngành hàng được FPTShop tập trung mở rộng.

Tin liên quan

Đọc tiếp