Doanh nghiệp Việt Nam và Nga trao đổi B2B. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Tại sự kiện, ông Andrey Pecherin – Trưởng ban Kinh tế, Cơ quan Đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho rằng, với tiềm năng hợp tác hiện hữu giữa Nga và Việt Nam, hai nước đang tích cực thúc đẩy các hoạt động giao thương - kinh doanh và đạt được một số thành công nhất định. Đồng thời, hai bên cũng thấy được triển vọng hợp tác trong một số dự án chung trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, điện lực, công nghệ cao và nông nghiệp, ngành công nghiệp ô tô, y tế và dược phẩm.
"Nền tảng vững chắc của quan hệ song phương và đối thoại chính trị đáng tin cậy ở cấp cao nhất đã góp phần vào sự phát triển từng bước của hợp tác giao thương cùng có lợi," ông Andrey Pecherin nhận định.
Về phía Việt Nam, ông Đinh Việt Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (VINEN) nhận định, quan hệ Việt Nam – Nga đã trải qua hơn 70 năm, đây là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau.
Trên nền tảng đó, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng trưởng, đạt 7 tỷ USD vào năm 2023. Nga là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày...
Nga hiện có 190 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 11,6 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, viễn thông...
Trong khi đó, theo ông Morozov - Trưởng phòng kinh tế đối ngoại của tổ chức phi lợi nhuận tự trị, Trung tâm hợp tác quốc tế Moscow, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do với liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) vào năm 2015.
“Đây có thể coi là chất xúc tác trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước,” ông Morozov nhận định.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp của thành phố Moscow quan tâm kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này không chỉ tìm hiểu triển vọng kinh doanh – thương mại mà còn cả văn hóa của Việt Nam.
Sự kiện có sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp Nga và Việt Nam. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Ngoài ra, TP Moscow cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển quan hệ với Việt Nam và mở gian hàng chung tại các triển lãm hàng đầu tại nước bạn. Đáng chú ý, nhiều năm qua, các công ty của TP Moscow đã tham gia và gặt hái được nhiều kết quả tích cực tại Vietnam Expo - sự kiện xúc tiến thương mại thường niên có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam từ năm 1991.
Vào tháng 10 năm nay, TP Moscow sẽ tổ chức hội nghị doanh nghiệp lớn về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ y tế và dược phẩm.
Tiềm năng hợp tác hai nước trong tương lai
Theo ông Đinh Việt Hòa, nhìn vào tương lai, quan hệ Việt Nam - Nga còn nhiều tiềm năng to lớn để phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại.
Cụ thể, Việt Nam và Nga đều sở hữu thị trường nội địa rộng lớn với dân số đông và thu nhập ngày càng tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ.
Trong hợp tác kinh tế khu vực, Việt Nam là thành viên của Hiệp định thương mại tự do ASEAN, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và nhiều FTA khác, mở ra cánh cửa cho các sản phẩm Nga tiếp cận thị trường tiềm năng với hơn 2 tỷ người tiêu dùng.
Về đầu tư, hai chính phủ đều cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác và đầu tư hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp hai nước còn nhiều tiềm năng để phát triển trong các lĩnh vực. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Về phía Nga, ông Morozov cho rằng, Việt Nam thể hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và khát vọng đổi mới, trong khi đó TP Moscow luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm tiên tiến và sáng chế trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ thông tin, y học đến nông nghiệp, năng lượng.
“Là một trong những siêu đô thị hàng đầu trên thế giới, chúng tôi sẵn sàng hợp tác toàn diện và trao đổi kinh nghiệm với các đối tác. Chúng tôi cũng sẵn lòng chia sẻ kiến thức và công nghệ của mình về lĩnh vực quản lý đô thị; sẵn sàng trao đổi về lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch đô thị và tạo ra không gian đô thị hiện đại và tiện nghi, phát triển các khu công nghiệp cũng như thúc đẩy phát triển sáng kiến kinh doanh và đổi mới,” ông Morozov bày tỏ.
Ông Morozov tin tưởng việc trao đổi kinh nghiệm và kiến thức sẽ góp phần tạo ra các dự án mới mang lại lợi ích cho cả Moscow và Việt Nam, từ đó đạt được những kết quả cao mới trong việc phát triển kinh tế của hai nước, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Sự kiện giao thương Việt Nam – Nga lần này có sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực mỹ phẩm, trang điểm, làm đẹp, xây dựng, kiến trúc... Trao đổi với Mekong ASEAN, Giám đốc công ty Nikk Mole (Liên bang Nga) cho biết, tham gia sự kiện lần này doanh nghiệp mang đến sản phẩm mỹ phẩm trang điểm – sản phẩm hiện chưa phân phối tại thị trường Việt Nam.
Nikk Mole đánh cao thị trường Việt Nam đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Hiện sản phẩm của Nikk Mole đã phân phối ở 50 quốc gia, vùng lãnh thổ và Việt Nam là thị trường tiếp theo mà doanh nghiệp hướng đến.
Sản phẩm mỹ phẩm của Nikk Mole trưng bày, giới thiệu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Bá Lê – Quản lý chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Midan Global cho biết, doanh nghiệp đang hướng đến thị trường Nga với sản phẩm đá tự nhiên, sản phẩm nội thất.
Ông Lê cho rằng, Nga là thị trường có tiềm năng lớn, đặc biệt khi Việt Nam có lợi thế về mức thuế ưu đãi dành cho đá và đồ nội thất. Nếu như thuế xuất khẩu các sản phẩm này từ Trung Quốc vào Nga chịu 10% thì Việt Nam ở mức 0% - nhờ Việt Nam được hưởng lợi từ FTA với Nga. Chính vì vậy, dù Trung Quốc có tuyến đường logistics gần Nga nhưng Việt Nam lại có lợi thế về thuế, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt.
Ngoài ra, giá sản phẩm, nhân công của Việt Nam so với Trung Quốc cũng gần như bằng nhau.
Dù vậy, ông Lê cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt còn gặp khó khăn về logistics khi xuất khẩu vào Nga khi giá vận chuyển còn cao; khó khăn về vấn đề thanh toán khi không phải ngân hàng nào cũng nhận thanh toán từ Nga.
Bàn nhiều hơn về tiếp cận, phát triển thị trường, chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Ninh Văn Tiến – Phó Tổng thư ký hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga nhận định, nhu cầu hai bên đều có, tuy nhiên không thể giới thiệu tràn lan sản phẩm, cần phải hiểu thị trường, thị hiếu tiêu dùng để lựa chọn sản phẩm cũng như có sẵn “đường đi nước bước” để phát triển thị trường.