G7 kêu gọi bãi bỏ lệnh cấm thực phẩm Nhật Bản

Thương Mại G7
08:44 - 30/10/2023
Ảnh minh họa: Nhập khẩu hải sản Nhật Bản tại Trung Quốc gần như sụt giảm toàn bộ vào tháng 9/2023 sau lệnh cấm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC). Ảnh: VCG
Ảnh minh họa: Nhập khẩu hải sản Nhật Bản tại Trung Quốc gần như sụt giảm toàn bộ vào tháng 9/2023 sau lệnh cấm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC). Ảnh: VCG
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 29/10, nhóm G7 kêu gọi “loại bỏ ngay lập tức” các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với các sản phẩm thực phẩm của Nhật Bản, hàm ý đề cập tới các lệnh cấm Trung Quốc áp dụng sau khi nước này bắt đầu xả nước thải. 

Theo tuyên bố sau cuộc họp cuối tuần tại Osaka, Nhật Bản, hãng tin Reuters cho biết các Bộ trưởng Thương mại G7 không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc mà thể hiện thái độ phản đối sự ép buộc kinh tế ngày càng tăng thông qua thương mại. Cụ thể, tuyên bố dài 10 trang của G7 nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối các hành động vũ khí hóa sự phụ thuộc kinh tế và cam kết xây dựng các mối quan hệ kinh tế và thương mại tự do, công bằng và cùng có lợi”.

Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu hải sản Nhật Bản sau khi nước này bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima cách đây 2 tháng.

Theo dữ liệu chính thức được chính phủ Nhật Bản công bố ngày 27/10, xuất khẩu sản phẩm hải sản của nước này sang Trung Quốc đại lục trong tháng 9 đã sụt giảm mạnh. Hãng tin Jiji Press của Nhật Bản trích dẫn dữ liệu từ Bộ Tài chính nước này cho biết xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản sang Trung Quốc đại lục trong tháng 9 đã giảm 99,3% so với một năm trước đó.

Đối với sò điệp - mặt hàng thủy sản chính của Nhật Bản xuất khẩu sang các thành phố của Trung Quốc đại lục, giá trị xuất khẩu trong tháng 9 của sản phẩm này bằng 0.

Đáp lại các tuyên bố trên, theo Reuters, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản trong cùng ngày cũng mô tả động thái của G7 là sự “ép buộc kinh tế”, đồng thời kêu gọi nhóm này không "cứng đầu tuân thủ các tiêu chuẩn kép" mà hãy có hành động thiết thực để duy trì trật tự đầu tư và thương mại quốc tế bình thường.

Cụ thể, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản cho biết: “Các thành viên G7 làm suy yếu sân chơi bình đẳng và phá vỡ an ninh, ổn định của chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu”.

Tuyên bố của nhóm G7 cũng lên án việc Nga phá hủy cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine cũng như quyết định "đơn phương" của Moscow trong việc rời bỏ các cuộc đàm phán về một thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu lúa mì và các sản phẩm nông nghiệp khác qua Biển Đen.

Tuy nhiên, các Bộ trưởng Thương mại G7 ngày 29/10 không lên án các cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel giống như trong cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính G7 cách đây 2 tuần. Thay vào đó, tuyên bố chỉ nhắc tới việc “nâng cao nhận thức về những khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa nhân đạo xuyên biên giới trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên và các trường hợp khẩn cấp khác".

Đọc tiếp