Giá gạo xuất khẩu tăng lên ngưỡng 528,5 USD/tấn trong 2 tháng đầu năm

Gạo XUẤT KHẨU
11:57 - 11/03/2023
Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm tăng 9,8% so với cùng kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
Trước tình trạng tăng dự trữ gạo của các nước và hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ bởi lo ngại thời tiết cực đoan, giá xuất gạo Việt Nam đã tăng 9,8%.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo tháng 2/2023 ước đạt 430 nghìn tấn với giá trị 231 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 789 nghìn tấn và 417 triệu USD, giảm 18,8% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 528,5 USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Điểm đáng lưu ý là tháng 2/2023, giá gạo xuất khẩu tại các thị trường chủ chốt ở châu Á diễn biến trái chiều. Trong khi giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đi xuống, thì giá gạo của Việt Nam và Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm do nhu cầu mạnh ngay cả khi rủi ro nguồn cung toàn cầu vẫn còn.

Trong khi đó, nhu cầu tại các thị trường truyền thống như: Indonesia, Bangladesh… tăng trở lại, cộng thêm Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm.

Với thị trường EU, theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Do đó, Tổng cục Hải quan khuyến cáo các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.

Gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gạo thơm, được đánh giá cao.

Gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gạo thơm, được đánh giá cao.

Cơ hội từ việc tăng dự trữ gạo của các nước

Cũng theo Tổng cục Hải quan, bước sang tháng 3, các nước đều có nhu cầu dự trữ lương thực khá lớn. Thêm vào đó, với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gạo thơm, chất lượng cao, nên có giá bán tốt, hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam cũng được dự báo có nhiều thuận lợi.

Với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt.

Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, ngày 8/2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tuyên bố sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo phục vụ dự trữ quốc gia, mặc dù hiện nay nông dân nước này đang vào vụ thu hoạch lúa chín trong năm 2023.

Trước tình trạng gạo dự trữ quốc gia của Indonesia hiện nay là khá ít, Chính phủ Indonesia đã quyết định tăng lượng gạo dự trữ quốc gia trong năm nay lên 2,4 triệu tấn gạo.

Nguyên nhân Chính phủ Indonesia quyết định tăng mạnh nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia, bởi theo các nhà nghiên cứu hiện tượng El Nino mạnh mẽ có thể trở lại vào năm nay, kết hợp với sự nóng lên toàn cầu sẽ gây ảnh hưởng đến khí hậu thế giới nói chung và Indonesia nói riêng.

Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng đưa ra dự báo, hiện tượng El Nino năm nay sẽ xảy ra và gây hạn hán từ tháng 5 - 7/2023, vì vậy có thể ảnh hưởng đến diện tích và sản lượng vụ thu hoạch lúa vào tháng 7- 8 của nước này.

Lo ngại về hiện tượng El Nino cũng khiến Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. Theo The Economic Times đưa tin, cuối tháng 2/2023, Chính phủ Ấn Độ tiếp tục thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng xuất khẩu.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ khiến các nước nhập khẩu, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi, phải trả nhiều tiền hơn cho loại lương thực đã trở nên đắt đỏ trong vài tuần qua.

Ấn Độ gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo do lo ngại hiện tượng thời tiết El Nino có thể ảnh hưởng đến mùa mưa năm nay. Ấn Độ hạn chế dự trữ lúa mỳ nhưng dự trữ gạo dồi dào để có thể sử dụng nếu tình hình thời tiết có bất ngờ lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp