Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC), quý 4/2023 doanh nghiệp thu về 2.613 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cũng tăng thêm 3,8%, lên mức 2.372 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp của DBC ở mức 241 tỷ đồng (cùng kỳ ghi nhận -65 tỷ đồng).
Trong quý, chi phí tài chính cao gấp 1,4 lần, lên mức 70,4 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm 51%, đạt 107,2 tỷ đồng. Khoản thu nhập khác của doanh nghiệp lại giảm 53%, còn 17,8 tỷ đồng. Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 6,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 230 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ DBC đạt -224 tỷ đồng).
Theo Dabaco, quý 4/2023 giá nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cũng như giá nông sản trong nước giảm, kéo theo giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm. Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đều có lãi và lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước.
Quý 4/2023, tình hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước, nhu cầu tiêu dùng giảm, giá lợn hơi giảm trong một thời gian dài dẫn tới kết quả chăn nuôi lợn của các công ty con của DBC giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh các công ty thành viên chuyên về thức ăn chăn nuôi, gia cầm, Dabaco còn sở hữu các công ty chăn nuôi lợn, cung cấp lợn giống và thịt ra thị trường. Trong hệ sinh thái này của Dabaco, nổi bật là công ty TNHH lợn giống hạt nhân Dabaco với khoảng 4.500 lợn giống, Dabaco Phú Thọ với quy mô 6.000 con lợn nái và 20.000 con lợn thịt thường xuyên... Ngoài ra còn có các công ty chuyên cung cấp lợn thịt ra thị trường, gồm công ty TNHH Đầu tư phát triển chăn nuôi lợn Dabaco, công ty TNHH Dabaco Thanh Hóa…
Dù tình hình chăn nuôi kém khả quan nhưng theo DBC, hoạt động sản xuất kinh doanh của khối các công ty thương mại dịch vụ như công ty dầu thực vật hoạt động vẫn có lãi và lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, doanh thu của DBC đạt 11.526 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ bán thành phẩm sản xuất chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của DBC với 10.146 tỷ đồng, tương ứng chiếm 88% và giảm 8,7%.
Doanh thu thuần của Dabaco năm 2023 đạt 11.110 tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm trước. Giá vốn hàng bán ở mức 9.995 tỷ đồng, giảm 5,6%; trong đó giá vốn thành phẩm đạt 8.996 tỷ đồng, giảm 10,3%.
Khấu trừ các khoản chi phí, lãi ròng của Dabaco năm 2023 đạt 25 tỷ đồng, cao gấp 4,9 lần so với mức 5,1 tỷ đồng ghi nhận năm 2022.
Năm 2024, Dabaco đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 25.380 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD); lợi nhuận trước thuế ở mức 804 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 730 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của DBC tại ngày 31/12/2023 ở mức 13.011 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với mức 12.974 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2023.
Trong đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng từ 5.215,9 tỷ đồng lên 5.557,8 tỷ đồng. Biến động lớn đến từ chi phí sản xuất kinh doanh dở dang khi tăng từ 3.435 tỷ đồng lên 4.145 tỷ đồng, tương ứng tăng 710 tỷ đồng. Hàng nguyên vật liệu lại giảm 13%, còn 876 tỷ đồng.
Nợ của DBC tại ngày cuối năm 2023 ở mức 8.345 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,1% so với mức 8.332 tỷ đồng ngày đầu năm 2023. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp tăng thêm 30%, lên mức 4.840 tỷ đồng; trong đó vay ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 3.221 tỷ đồng, vay các ngân hàng thương mại cổ phần là 1.358 tỷ đồng.
Vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 15%, lên mức 1.026 tỷ đồng. Bao gồm, vay các ngân hàng thương mại Nhà nước là 716 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản phải trả người bán của doanh nghiệp giảm từ 2.129 tỷ đồng còn 795 tỷ đồng; người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm từ 887 tỷ đồng còn 221 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của DBC không có thông tin chi tiết về các khoản này.