Ảnh minh họa: PV Power. |
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, HoSE: POW) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt 8.430,9 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá vốn cũng tăng 22%, lên 7.961,9 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp bị kéo giảm một nửa, xuống còn 469,1 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,4% xuống còn 5,5%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của POW tăng 107%, lên 130,2 tỷ đồng; Trong đó bao gồm 23 tỷ đồng tiền lãi tại PVCombank, 33 tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận được chia, 14,9 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện và 183 tỷ đồng tiền gửi tại các ngân hàng khác.
Trong khi đó, chi phí tài chính được tiết giảm 36,6%, xuống còn 144 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 207,5 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các chi phí, PV Power ghi nhận lãi sau thuế quý 2/2023 đạt 181,6 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo giải trình từ phía công ty, giá vốn leo thang chủ yếu do giá nguyên liệu tăng. Quý 2/2023, các nhà máy thuỷ điện sụt giảm sản lượng do lượng nước về hồ thấp, kéo doanh thu thuỷ điện giảm trong khi giá vốn không giảm tương ứng do chi phí cố định chiếm tỷ trọng lớn.
Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện gặp khó khi giá nhiên liệu tăng đồng thời với việc huy động, vận hành bằng nhiên liệu dầu dẫn đến phải thực hiện lên, xuống máy nhiều lần cũng làm giá vốn tăng cao.
Ngoài ra, trong quý này, tổng công ty ghi nhận doanh thu chênh lệch tỷ giá của Hợp đồng mua bán điện Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 6 tháng cuối năm 2018, trong khi kỳ này không phát sinh dẫn tới lợi nhuận gộp của PV Power giảm mạnh so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, PV Power đạt 15.855,3 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 10% trong khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 40% còn 831,6 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tại thời điểm ngày 30/6/2023, POW ghi nhận tổng tài sản đạt 61.818,3 tỷ đồng, tăng gần 9% so với con số hồi đầu năm. Trong đó, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 17.835 tỷ đồng, tăng gần 5.300 tỷ so với đầu năm và chiếm 29% trong cơ cấu tổng tài sản.
Đặc biệt trong các khoản phải thu ngắn hạn, chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng ở mức 15.016,2 tỷ đồng. Theo thuyết minh của công ty, hơn 14.929 tỷ đồng là đến từ Công ty Mua bán Điện. Đây là đơn vị trực thuộc và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ủy quyền thực hiện quản lý, đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với chủ đầu tư các dự án nhà máy điện có công suất trên 30 MW.
Trước đó, trong cuộc họp chiều 5/7, ban lãnh đạo PV Power cho biết khó khăn mà tổng công ty đang đối mặt là tình hình thu hồi công nợ của công ty từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tính đến thời điểm cuộc họp, tổng số tiền nợ đọng của EVN tại PV Power đã xấp xỉ 13.000 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, công nợ của EVN đã tăng lên gần 2.000 tỷ.
Hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý 2/2023 đạt khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, giảm 3,7% so với con số đầu năm.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của POW tăng 18,8% lên 27.986,8 tỷ đồng. Phần lớn đến từ các khoản phải trả người bán 12.725 tỷ đồng, tăng hơn 5.400 tỷ so với đầu năm, chủ yếu là các khoản từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công khí Việt Nam (PV GAS) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL). Cuối kỳ, công ty dự phòng phải trả ngắn và dài hạn số tiền hơn 2.380 tỷ đồng.
Mới đây, tại lễ sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của tổng công ty, ông Nguyễn Đình Thi, Trưởng ban Kế hoạch POW cho biết dự kiến 6 tháng cuối năm, chỉ tiêu sản lượng điện là 7.8 tỷ kWh; Doanh thu kế hoạch ước 11.600 tỷ đồng. Ngoài ra, sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động khác, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến những dự án như Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4, nhà máy điện khí LNG, Luang Prabang…
Tổng Giám đốc POW Lê Như Linh nhận định mục tiêu 6 tháng cuối năm là khó khăn. Tổng công ty cần đảm bảo tiếp tục triển khai các dự án nhà máy điện (Nhơn Trạch 3, 4 và Cà Mau 3), nghiên cứu dự án năng lượng tái tạo, dự án khí LNG… để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.