Ảnh: Phân bón Bình Điền |
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, Việt Nam xuất khẩu 107.971 tấn phân bón với 46,6 triệu USD, giảm lần lượt 30,3% về lượng và 18% về trị giá. So với cùng kỳ năm trước, lượng và trị giá xuất khẩu phân bón của Việt Nam trong tháng 6 lần lượt giảm 50% và 68%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 800.372 tấn phân bón với trị giá đạt 335 triệu USD, giảm lần lượt 19,7% về lượng và 48% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch giảm xuất khẩu phân bón nửa đầu năm 2023 của Việt Nam ghi nhận giảm ở hầu hết các thị trường chính và mức giảm từ hai con số trở lên. Đối với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Campuchia, mặc dù lượng xuất khẩu phân bón tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (từ 264.276 tấn lên 290.778 tấn) nhưng kim ngạch xuất khẩu lại ghi nhận giảm 16% (từ 146 triệu USD xuống còn 122 triệu USD).
Tại các thị trường chính khác, kim ngạch xuất khẩu phân bón sang Philippines và Thái Lan đồng loạt giảm tới 71% so với cùng kỳ năm trước. Phân bón xuất sang Hàn Quốc cũng giảm 68%; Lào giảm 49%...
Theo báo cáo của ABS Research, giá ure thế giới trong tháng 6 giao dịch ở mức 375 USD/tấn, giảm 64% so với mức đỉnh 1.050 USD/tấn ghi nhận vào tháng 4/2022 và giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.
Giá phân bón thế giới sụt giảm liên tục từ cuối năm 2022 đến giữa năm 2023, yếu tố này đã phần nào ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua.
Ảnh: ABS Research |
Các chuyên gia ABS Research dự báo, giá ure sẽ phục hồi nhẹ trong tháng 7 với mức giá trung bình có thể đạt 450 USD/tấn. Một trong các yếu tố thúc đẩy là do Trung Quốc (thị trường xuất khẩu phân bón lớn thứ hai thế giới) tăng xuất khẩu với 786.000 tấn trong 5 tháng đầu năm 2023, tương ứng tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Từ giữa năm 2021, Trung Quốc ban hành một số chính sách hạn chế xuất khẩu phân ure nhằm bảo hộ nguồn cung trong nước, kìm hãm giá phân bón. Tuy nhiên, dự báo năng lực sản xuất mới tại quốc gia này trong năm 2023 sẽ tăng lên đáng kể.
Theo thống kê của Futures Daily, tổng công suất của các dự án ure chuẩn bị vận hành năm 2023 đạt 4,66 triệu tấn, dự án đang xây dựng là 5,56 triệu tấn, nếu tính thêm 1,32 triệu tấn công suất tăng thêm vào cuối 2022 thì tiềm năng công suất sản xuất của ngành ure Trung Quốc trong tương lai sẽ tăng 11,54 triệu tấn, tương ứng 16% công suất hàng năm. Theo đó, ABS Research cho rằng Trung Quốc có thể sẽ nới lỏng các chính sách hạn chế xuất khẩu kể từ năm nay.