Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu từ Oilprice ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 20/9 (theo giờ Việt Nam) giá dầu WTI giao dịch ở mức 91,2 USD/thùng, giảm 0,28 USD/thùng; Trong khi đó, dầu Brent giao dịch mức 94,3 USD/thùng, giảm 0,9 USD/thùng so với đầu giờ sáng 19/9. Giá dầu đang có sự chững lại, tuy nhiên so với cách thời điểm đây 10 ngày, giá dầu đã tăng khoảng 4 USD/thùng.
Bên cạnh đó, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng tăng mạnh so với kỳ trước. Theo dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương đến ngày 19/9, giá xăng 92 giao dịch ở mức 108,6 USD/thùng, xăng 95 giao dịch 114,1 USD/thùng, tăng 4 - 5 USD/thùng so với ngày điều hành ở kỳ trước.
Do đó, theo xu hướng leo dốc của giá dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước được dự báo cũng sẽ tăng mạnh.
Cụ thể, trong kỳ điều hành ngày mai (21/9), nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 800 - 1.100 đồng/lít tùy loại, còn giá dầu có khả năng tăng 850 - 950 đồng/lít.
Tại kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 11/9, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã giữ nguyên giá xăng, còn giá dầu tăng nhẹ. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giữ nguyên ở mức 23.470 đồng/lít. Giá xăng RON 95 đứng ở mức 24.870 đồng/lít.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 26 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 415 đồng/lít, giá bán mới là 23.055 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 378 đồng/lít, giá bán tăng lên 23.188 đồng/lít; Riêng dầu mazut được giữ nguyên mức giá từ kỳ trước là 17.704 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, cơ quan điều hành không trích lập Quỹ Bình ổn giá và chỉ chi Quỹ với xăng RON 95 là 14 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 22 đồng/lít, dầu mazut là 27 đồng/kg.
Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá, mới đây, Bộ Tài chính đã công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư quỹ này trong quý 2/2023. Theo đó, số dư quỹ Bình ổn giá đến hết ngày 30/6/2023 lên tới 7.424,7 tỷ đồng.