Ảnh minh họa: Quách Sơn. |
Ngày mai (4/1), giá xăng trong nước sẽ đến kỳ điều chỉnh đầu tiên của năm 2024.
Trên thị trường thế giới, giá dầu tiếp tục giảm trong bối cảnh giới đầu tư giảm bớt lo ngại về tình trạng căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ và đồng USD lên giá.
Cụ thể, theo ghi nhận của Oilprice vào đầu giờ sáng ngày 3/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 75,89 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đạt 70,49 USD/thùng, giảm lần lượt 1,5% và 1,8% so với phiên đầu tiên của năm mới.
Tại thị trường Singapore, cập nhật mới nhất đến ngày 2/1, giá xăng RON 92 ở mức 87,76 USD/thùng, giảm 1,88 USD; giá xăng RON 95 là 91,02 USD/thùng giảm 2,63 USD; dầu diesel 98,26 USD/thùng, giảm 0,93 USD so với thời điểm kỳ điều hành trước (28/12).
Do đó, dự báo giá xăng tại kỳ điều hành ngày 4/1 có thể giảm nhẹ, với xăng E5 RON 92 giảm 50-100 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 100-150 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel được dự báo giảm 300-350 đồng/lít.
Nếu dự báo trên là chính xác, các mặt hàng xăng sẽ có phiên giảm giá đầu tiên trong năm 2024, đồng thời là phiên giảm thứ hai liên tiếp. Trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giữ nguyên.
Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 28/12/2023, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm 13 đồng trên mỗi lít xăng RON 92, giá bán mới của mặt hàng này là 21.186 đồng/lít; trong khi đó, giá xăng RON 95 tăng 3 đồng, giá bán mới không cao hơn 22.148 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu cũng ghi nhận sự tăng giảm trái chiều, với dầu diesel tăng 264 đồng, giá bán mới không cao hơn 19.788 đồng/lít; dầu mazut tăng mạnh 420 đồng, giá bán mới không cao hơn 15.685 đồng/kg. Riêng dầu hỏa giảm nhẹ 37 đồng, giá bán mới không cao hơn 20.457 đồng/lít.
Cũng tại kỳ điều hành ngày 28/12/2023, liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá. Đồng thời, trích lập Quỹ đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước), không trích lập Quỹ đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa.
Như vậy, trong năm 2023, giá xăng đã trải qua 38 lần điều chỉnh, trong đó có 19 lần tăng, 13 lần giảm, 4 lần giữ nguyên và 2 lần trái chiều.
Trong năm qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh việc rút ngắn thời gian điều hành giá, nghị định mới quy định đại lý bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ tối đa 3 nguồn, nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.
Nghị định 80 bãi bỏ loại hình tổng đại lý bán lẻ xăng; bổ sung quy định về điều kiện kho chứa khi cấp giấy phép thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu.
Nghị định mới sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tránh việc làm đứt gẫy đột ngột nguồn cung xăng dầu, đặc biệt trong những thời điểm nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng, khan hiếm.
Nghị định 80 cũng bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn đối với quỹ bình ổn giá xăng dầu. Việc thay đổi theo Bộ Công Thương nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập còn tồn đọng cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.