Giảm dự phòng rủi ro, Sacombank báo lãi tăng mạnh nhất toàn ngành

NGÂN HÀNG Việt nAM
15:13 - 31/10/2023
Giảm dự phòng rủi ro, Sacombank báo lãi tăng mạnh nhất toàn ngành
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận sụt giảm hoặc tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ, Sacombank vẫn lãi hơn 6.840 tỷ đồng, tăng 54% so với 9 tháng 2022 nhờ cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã: STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với nguồn thu chính lũy kế 9 tháng 2023 tăng mạnh 48% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 16.439 tỷ đồng.

Sau 9 tháng, các nguồn thu ngoài lãi tại ngân hàng này có các kết quả không đồng nhất. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 6% lên 603 tỷ đồng, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư chuyển từ lỗ sang lãi 43 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi từ dịch vụ giảm 53% còn 2.031 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác giảm 94% còn 125 tỷ đồng.

Dù chi phí hoạt động tăng lên 9.480 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại Sacombank vẫn ghi nhận tăng nhẹ 1%, đạt 9.984 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm, ngân hàng này cắt giảm 43% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 3.144 tỷ đồng. Kết quả Sacombank lãi trước thuế hơn 6.840 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Với mức tăng trưởng này, hiện tại Sacombank là ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng cao nhất toàn ngành.

Tính riêng trong quý 3/2023, Sacombank lãi trước thuế 2.085 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. So với kế hoạch 9.500 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm, ngân hàng này đã thực hiện được 72% mục tiêu.

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Sacombank đạt gần 651.300 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, hoạt động cho vay khách hàng tăng 7,6% lên gần 472.100 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 11,7%, đạt hơn 507.800 tỷ đồng.

Về phía nguồn vốn, ngân hàng này chỉ còn nợ Chính phủ và NHNN 27 tỷ đồng, trong khi đầu năm là 9.901 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 12% lên 507.833 tỷ đồng...

Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tại Sacombank tăng cao gấp 2,4 lần so với hồi đầu năm, lên 10.387 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 560 tỷ đồng lên 2.561 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng từ 731 tỷ đồng lên 3.198 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng đột biến từ mức 0,98% đầu năm lên 2,2%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.