Theo tính toán của nhiều chuyên gia kinh tế, khi giá xăng dầu tăng 10% thì chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng khoảng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng với xu hướng giảm khoảng 0,5%. Trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế thì chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% và ga khoảng 1,45%. Điều này phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới nền kinh tế.
Trong nghị quyết 01-NQ/CP về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, giá xăng dầu được điều chỉnh trong 5 đợt và tính từ ngày 25/12/2021 đến lần tăng giá gần nhất (1/3/2022), làm cho giá xăng A95 tăng 3,537 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 3,521 đồng/lít và lên đến 26.830 đồng (mức cao nhất từ trước đến nay).
Mức tăng giá sau 5 đợt tăng này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tính toán ban đầu khi dự thảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong NQ01 của Chính phủ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, giá xăng dầu thế giới có thể tiếp tục tăng thêm, tác động tiêu cực đến giá bán xăng dầu trong nước.
Chính vì vậy, ngày 3/3, Bộ Tài chính có công văn số 2068/BTC-CST gửi các bộ, ban, cơ quan thuộc Chính phủ, Hiệp hội xăng dầu xin ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12. Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 500 - 1.000 đồng/lít/kg đối với 6 loại hàng hóa xăng, dầu và mỡ nhờn.
Giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu 1.000 đồng không tác động nhiều tới việc giảm CPI
Trước đề xuất của Bộ Tài chính, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho hay, theo tính toán, đóng góp của tăng giá xăng từ đầu năm 2022 đến chỉ số CPI chung là khoảng 0,8%. Tuy nhiên, theo nhiều dự báo thế giới, giá dầu Brent đến cuối năm 2022 có thể tăng lên đến 150$ (mức tăng trung bình 45% trong năm 2022), kéo theo giá xăng trong nước cũng sẽ tăng khoảng 40% trung bình năm 2022 và vì thế sẽ có thể tác động làm CPI tăng 1,6%.
Do đó, nếu chỉ giảm tối đa theo đề xuất của Bộ Tài chính là 1.000 đồng từ thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng (so với mức giá xăng tăng từ đầu năm là khoảng hơn 3.500 đồng), thì chỉ có thể làm giảm 0,15 % và do vậy tác động của giá xăng xăng hiện tại lên CPI vẫn cao là khoảng 0,65%.
Mặt khác, nếu như dự báo về mức giá xăng dầu thế giới còn tiếp tục tăng như phân tích ở trên, thì tỷ lệ ảnh hưởng của việc giảm 1.000 đồng trên mỗi lít xăng càng ít ý nghĩa với tác động giá xăng trung bình của năm 2022 lên CPI sẽ là khoảng 1,6%. Cho nên việc đề xuất giảm thuế như vậy trong tình hình hiện nay cũng không tác động quá nhiều tới việc giảm CPI và khó đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Đề xuất giảm thêm các loại thuế
Theo VEPR, bên cạnh việc giảm cố định 1.000 đồng từ thuế bảo vệ mội trường thì nên cân nhắc giảm thêm thuế nhập khẩu và/hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đến 31/12/2022. Lý do quan trọng là so với việc giảm một mức cố định, việc giảm/miễn các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành sẽ đảm bảo tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế hơn so với mức giảm cố định mà Bộ Tài chính đang đề xuất.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có văn bản đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022. Theo VCCI, việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần cân nhắc tiến hành mạnh mẽ hơn.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.