Binh lính Israel hoạt động tại khu vực biên giới Israel và Gaza, ngày 8/11. Ảnh: Reuters |
Theo CNN, trong một phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 8/11, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Cận Đông Barbara Leaf cho biết: "Chính quyền Palestine (PA) là Chính phủ Palestine duy nhất bước ra từ Hiệp định Olso. Dù có những khuyết điểm gì thì PA cũng là chính phủ của người Palestine ở Bờ Tây. Chúng tôi tin rằng sau tất cả, tiếng nói và nguyện vọng của người Palestine phải là trọng tâm của việc quản lý và an ninh hậu xung đột ở Gaza".
Bà Laeaf nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đang xem xét tất cả những quan điểm này và muốn sớm bắt đầu những cuộc thảo luận về tình hình Gaza hậu chiến sự.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc họp báo ngày 8/11. Ảnh: AP |
Bình luận của bà Leaf lặp lại quan điểm mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu ra trong cuộc họp báo sau Hội nghị ngoại trưởng G7 tại Tokyo, Nhật Bản cùng ngày. Trong đó, ông Blinken nhấn mạnh một nền hòa bình bền vững tại Gaza, bao gồm "sự quản lý do người Palestine lãnh đạo, Gaza thống nhất với Bờ Tây dưới sự quản lý của PA".
Nhà ngoại giao Mỹ nói thêm rằng hòa bình cũng phải bao gồm "một cơ chế tái thiết bền vững ở Gaza và một con đường để người Israel và người Palestine sống cạnh nhau trong không gian của riêng họ với các biện pháp bình đẳng về an ninh, tự do, cơ hội và nhân phẩm".
Washington cho biết các đối tác Ả Rập của Mỹ gồm Jordan và Ai Cập, đã bày tỏ lo ngại về khả năng người dân Palestine buộc phải rời khỏi Dải Gaza và muốn tập trung ngay bây giờ vào việc đạt được lệnh ngừng bắn.
Bà Leaf nói: "Tôi có thể nói rằng các đối tác Ả Rập của chúng tôi rất tập trung vào thời điểm hiện tại, liên quan đến các vấn đề khủng hoảng nhân đạo và việc đạt được lệnh ngừng bắn".
Cũng trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Blinken nói Mỹ tin rằng các yếu tố chính của một thỏa thuận hòa bình không nên bao gồm việc cưỡng bức di dời người Palestine khỏi Gaza hiện tại và sau cuộc chiến; không sử dụng Gaza làm nền tảng cho khủng bố hoặc các cuộc tấn công bạo lực khác; không tái chiếm Gaza sau khi xung đột kết thúc.
Ông cũng nêu các điều kiện khác bao gồm không cố gắng phong tỏa hoặc bao vây Gaza hay bất kỳ động thái nhằm thu hẹp lãnh thổ của Gaza.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv, ngày 18/10. Ảnh: AFP |
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Washington có sự phản đối các kịch bản Israel sẽ kiểm soát Dải Gaza. Động thái này được đưa ra sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 6/11 nói rằng nước này sẽ có quyền kiểm soát an ninh tổng thể "vô thời hạn" đối với vùng đất của người Palestine sau khi tiêu diệt Hamas và loại bỏ quyền lực của tổ chức này.
"Tôi nghĩ Israel sẽ chịu trách nhiệm an ninh chung vô thời hạn (tại Dải Gaza) vì chúng tôi đã thấy điều gì đã xảy ra khi chúng tôi không làm như vậy. Khi chúng tôi không chịu trách nhiệm an ninh tại đó, điều chúng tôi phải đối mặt chính là sự bùng nổ của lực lượng khủng bố Hamas ở quy mô mà chúng tôi không thể tưởng tượng được", ông Netayahu nói.
Thủ tướng Israel không nói rõ việc kiểm soát an ninh sẽ diễn ra theo hình thức nào. Ông nói rằng ông đồng ý với lời kêu gọi của Mỹ về việc viện trợ nhân đạo vào Gaza và đang phối hợp với Washington về vấn đề này.
Trong khi đó, Nhà Trắng ngày 7/11 nhắc lại rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden - người đã có chuyến thăm Israel vào tháng trước, không ủng hộ việc Israel tái chiếm Gaza, gọi đây sẽ là một "sai lầm lớn".
"Tổng thống Biden đã nói rất rõ ràng rằng chúng tôi không ủng hộ việc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tái chiếm Gaza", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nêu rõ, đồng thời yêu cầu ông Netanyahu làm rõ ý nghĩa của từ "vô thời hạn" trong phát biểu của mình.
Ông Kirby nói thêm: "Chúng tôi nghĩ rằng cần phải có một loạt các cuộc thảo luận về tình hình Gaza hậu xung đột và việc quản lý khu vực này như thế nào. Điều chúng tôi hoàn toàn đồng ý với những người đồng cấp Israel là Hamas sẽ không thể kiểm soát Gaza nữa. Nó sẽ không thể giống như ngày 6/10".
Binh sĩ Israel kiểm tra lối vào đường hầm ở phía bắc Dải Gaza, ngày 3/11. Ảnh: IDF |
Israel đã rút quân và người định cư tại Dải Gaza vào năm 2005 nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát không phận, bờ biển, cơ quan đăng ký dân cư và các cửa khẩu biên giới của Gaza, ngoại trừ một khu vực vào Ai Cập.
Năm 2006, Tổ chức Hamas đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lập pháp của Palestine – cuộc bầu cử gần nhất được tổ chức ở Gaza. Kể từ đó, Israel và Ai Cập đã áp đặt lệnh phong tỏa Gaza ở các mức độ khác nhau.
Hamas là một tổ chức Hồi giáo có cánh quân sự được thành lập vào năm 1987, nổi lên từ Tổ chức Anh em Hồi giáo - một nhóm Hồi giáo dòng Sunni được thành lập vào cuối những năm 1920 ở Ai Cập. Nhóm này coi Israel là một quốc gia bất hợp pháp và là một thế lực muốn chiếm đóng ở Gaza. Không giống Chính quyền Palestine (PA), Hamas từ chối đối thoại với Israel.