Gỡ thế 'kẹt' cho tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế

TÍN DỤNG NGÂN HÀNG
19:30 - 30/03/2023
Gỡ thế 'kẹt' cho tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế
0:00 / 0:00
0:00
Câu chuyện tín dụng thời điểm này không còn là chuyện thiếu vốn, mà là có vốn nhưng doanh nghiệp không hấp thụ được, không dám vay, TS. Lê Xuân Nghĩa trao đổi với Mekong ASEAN.

"Doanh nghiệp cần dòng vốn cho đầu tư dài hạn nhưng với lãi suất trên 10% thì không có doanh nghiệp nào dám vay chứ không phải ngân hàng không cho vay".

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) khi đề cập đến những khó khăn của các doanh nghiệp tại tọa đàm "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" sáng ngày 30/3 do Báo Tuổi trẻ tổ chức.

Riêng với TP HCM, khảo sát của HUBA cho thấy một số ngành sản xuất chủ lực đều xuất khẩu sụt giảm. Ngành dệt may tăng trưởng giảm, ngành thủy sản xuất khẩu giảm 30%, ngành gỗ giảm 40%, bất động sản "đóng băng" kéo theo hệ lụy các lĩnh vực sắt thép, xi măng cũng suy giảm tới 90%,...

Theo chủ tịch HUBA, các doanh nghiệp đã cố gắng duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn. Hiện nay, phải thừa nhận cầu giảm làm ảnh hưởng hoạt động doanh nghiệp nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay để mở rộng sản xuất kinh doanh mà có nhu cầu vay để cầm cự.

Lãi suất giảm, tín dụng vẫn ì ạch

Quý 1/2023, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều động thái hỗ trợ tích cực, ví dụ như đã điều chỉnh các mức lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm một số loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3/2023. Sau quyết định này, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động đã giảm mạnh. Đến nay, chỉ còn rất ít ngân hàng niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng ở mức 9%/năm. Giảm lãi suất huy động là cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, con số vừa được công bố bởi Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm ngày 20/03/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022 trong khi cùng kỳ tăng 2,49%; huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,77% trong khi cùng kỳ tăng đến 2,15%.

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý 1/2023 đạt 1,61% trong khi cùng kỳ con số này là 4,03%. Như vậy, trong quý 1/2023, tăng trưởng tín dụng chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm 2022 và quay trở lại mức tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục thời kỳ đầu Covid-19 quý 1/2020.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14%-15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường.

Chia sẻ với Mekong ASEAN về những con số trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, tăng trưởng tín dụng quá thấp, vốn có những doanh nghiệp không hấp thụ được. Trong bối cảnh các kênh vốn khác của nền kinh tế như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng đang chậm chạp, đây là vấn đề đáng lưu tâm.

Phân tích nguyên nhân tăng trưởng tín dụng tăng chậm trong tháng đầu năm, TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận nhu cầu tín dụng từ phía doanh nghiệp giảm do đơn đặt hàng khu vực sản xuất sụt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành như dệt may, gỗ, thuỷ hải sản… đang gặp khó do xuất khẩu giảm, đặc biệt khó khăn ở thị trường EU và Mỹ, dẫn đến hàng hóa tồn động.

Ngoài ra, tín dụng cho bất động sản tăng thấp hơn so với các năm trước cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm. Chưa kể, sự suy giảm của thị trường bất động sản kéo theo toàn bộ ngành vật liệu xây dựng cũng ì ạch.

Nguyên ngân về lãi suất, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, do lãi suất tăng lên cao mặc dù chính sách giảm lãi suất đã được triển khai tuy nhiên, muốn kéo giảm lãi suất cho vay xuống 8 - 9%/năm, cũng cần có độ trễ để các ngân hàng trung hòa hết vốn lãi cao. Do đó, nghiễm nhiên, khu vực sản xuất vẫn đang phải gánh chịu chi phí vay lớn.

Theo ông Nghĩa, với doanh nghiệp sản xuất, tìm kiếm lợi nhuận từ khoản lãi vay 10% không phải câu chuyện dễ dàng, chưa kể, quá trình vận hành, doanh nghiệp dùng nguồn vốn vay để trang trải nhiều khoản như đóng thuế, trả lương, mua máy móc thiết bị…

Câu chuyện tín dụng thời điểm này không còn là chuyện thiếu vốn, mà là có vốn nhưng doanh nghiệp không hấp thụ được, không dám vay, ông Nghĩa nhìn nhận.

Giảm lãi suất, khơi thông nguồn vốn tín dụng

Cũng phải nói thêm, để gỡ thế kẹt cho tín dụng toàn nền kinh tế, phụ thuộc nhiều vào cầu thị trường, cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố không nằm trong tầm tay của các nhà hoạch định chính sách, ít nhất là trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, trao đổi với người viết, ông Nghĩa đề cập một số khuyến nghị chính sách có thể thực hiện từng bước để cải thiện và tập trung vào việc khôi phục cầu thị trường nội địa.

Cụ thể, có giải pháp thúc đẩy mạnh hơn nữa nhu cầu tiêu dùng trong khu vực thương mại dịch vụ nhằm hỗ trợ khu vực nông nghiệp, công nghiệp, chế biến chế tạo phục hồi,...Tất nhiên, muốn khơi thông các kênh dẫn nước trước hết phải có nước. Điều kiện tiên quyết vẫn là tăng cung tiền cơ sở của ngân hàng trung ương, tăng cung tín dụng, cho vay tiêu dùng, cho vay mua nhà ở...

Ngoài ra, cần khơi thông các kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hay chứng khoán. Đặc biệt, với thị trường bất động sản, cần tập trung nguồn lực cả đất đai, tài chính, tháo gỡ thủ tục pháp lý, phục hồi phân khúc nhà ở giá rẻ, trên cơ sở đó, phục hồi trở lại khu vực sản xuất, vật liệu xây dựng,...

Muốn khơi thông dòng chảy tín dụng, cần tháo đúng điểm nghẽn là lãi suất và cung tiền. Tăng cung tiền tệ và giảm lãi suất điều hành sẽ giúp nền kinh tế giải bài toán khó khăn về thanh khoản. Doanh nghiệp đang rất khó khăn, nền kinh tế cũng đang đối diện với nhiều áp lực, chính sách cần được nghiên cứu triển khai càng sớm càng tốt.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Phát biểu tại tọa đàm "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" sáng ngày 30/3, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Túcho biết, mục tiêu năm 2023 là tiếp tục duy trì ổn định giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.

Thống đốc nhấn mạnh, thông điệp của NHNN là giảm lãi suất, vốn trong nền kinh tế đang dư thừa, do đó NHNN khuyến khích cho doanh nghiệp vay, đồng thời sẽ vận động các ngân hàng thương mại có thêm một đợt giảm lãi suất nữa.

Đọc tiếp