Theo TechCrunch, động thái của Google được đưa ra sau khi người dùng phản ánh công cụ của hãng đã tạo ra những hình ảnh không đúng về nhân vật lịch sử. Đơn cử như Gemini đã đưa ra hình ảnh vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ George Washington là người da màu.
Ông Jack Krawczyk, Giám đốc sản phẩm cấp cao của Gemini tại Google cho biết, công cụ AI của hãng có thể tạo ra nhiều ảnh con người với sắc tộc khác nhau và đó là điều tốt vì mọi người khắp thế giới đều sử dụng nó. Tuy nhiên, công cụ vẫn có những nhược điểm và hãng đang nỗ lực cải thiện những sai sót này để sớm khôi phục tính năng.
Công cụ tạo ảnh của Google mới được ra mắt đầu tháng 2 vừa qua thông qua Gemini. Google đang đối mặt nhiều thách thức khi cố gắng bắt kịp OpenAI trong cuộc chạy đua AI tạo sinh. Mới đây, OpenAI ra mắt ứng dụng tạo video tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo - Sora, giúp người dùng sáng tạo video nhanh chóng thông qua các câu lệnh đơn giản.
Giới chuyên gia nhận định, trí tuệ nhân tạo đã trở thành một từ thông dụng trong năm 2023, đặc biệt là thông qua các ứng dụng như ChatGPT. Sức nóng của nó và sự yêu thích của công chúng khiến các công ty lần lượt tung ra các sản phẩm tương tự.
Về mặt bản chất, trí tuệ nhân tạo tạo sinh là các công cụ cho phép người sử dụng tạo ra nhiều nội dung mới dựa trên dữ liệu đầu vào khác nhau. Bằng cách sử dụng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo, người sử dụng có thể chẩn đoán y học, viết kịch bản, tạo bản tóm tắt pháp lý và phần mềm gỡ lỗi cùng nhiều ứng dụng khác.
Bà Frances Karamouzis, Phó Chủ tịch bộ phận phân tích của Gartner nói: "Trí tuệ nhân tạo có thể giúp giảm thiểu tác động của lạm phát, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài và thậm chí khắc phục suy thoái kinh tế. Các giám đốc điều hành và giám đốc công nghệ thông tin tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm, mô hình kinh doanh mới và tìm thấy những cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu".
Báo cáo mới đây của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, trí tuệ nhân tạo thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 7% trong vòng 10 năm tới và 300 triệu việc làm toàn thời gian sẽ được tự động hóa, đồng thời gia tăng những công việc mới. Hay như báo cáo của PwC cho thấy, trí tuệ nhân tạo sẽ đóng góp khoảng 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.
Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến mối lo ngại ngày càng tăng về cách công nghệ này có thể vi phạm quyền riêng tư, đưa ra quyết định sai lệch về việc làm, lừa đảo quyền lực và tạo ra thông tin sai lệch.
"Khi bắt đầu phát triển và triển khai các mô hình trí tuệ nhân tạo, các tổ chức sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về độ tin cậy, rủi ro, an ninh, quyền riêng tư và đạo đức", chuyên gia Frances Karamouzis nhấn mạnh.
Theo dữ liệu từ công ty máy học Clarity, năm 2023 số lượng deepfake do trí tuệ nhân tạo tạo ra đã tăng 900% so với năm trước đó.