Hội nghị lần thứ 13 dự kiến làm việc trong 1,5 ngày và bế mạc vào chiều 2/12, tập trung thảo luận về báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch năm 2023; tình hình thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm 2022 và phương hướng, biện pháp cân đối ngân sách năm 2023; tình hình thực hiện và phương án điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2022, kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Hội nghị cũng tập trung thảo luận cho ý kiến về báo cáo kết quả cuộc giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
Cũng tại hội nghị này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương sẽ thảo luận, xem xét báo cáo kết quả kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 15/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh; báo cáo sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu khai mạc hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng đánh giá, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kết quả đạt được của tỉnh mới ở mức khá, chưa được như kỳ vọng.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành và hoàn thành vượt mức 9/16 chỉ tiêu, nhưng trong năm có đến 7/16 chỉ tiêu chưa hoàn thành theo kế hoạch, dẫn đến nguy cơ không đạt được chỉ tiêu chung đã đề ra. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 ước tăng trưởng 9,06%, bằng với chỉ tiêu đại hội XVII đề ra nhưng chưa đạt theo kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ rất quan trọng chậm hoàn thành so với yêu cầu tiến độ như lập Quy hoạch tỉnh, triển khai các đề án, dự án trong kế hoạch đầu tư công; thu hút đầu tư trong và ngoài nước giảm mạnh cả về số dự án và vốn đầu tư, tiến độ đầu tư dự án chậm; chưa hoàn thành việc kiểm tra, thanh tra xử lý các vụ việc theo chỉ đạo của Trung ương...
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những tồn tại, hạn chế, phân tích sâu sắc nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan, chỉ rõ những điểm nghẽn cần phải sớm khắc phục. Xác định chủ đề, mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách năm 2023.
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng đề nghị, các đại biểu tích cực tham gia nhiều ý kiến đi thẳng vào vấn đề; thể hiện sự đổi mới, dân chủ trong sinh hoạt cũng như trách nhiệm và vai trò đóng góp của mỗi đồng chí trên cương vị công tác của mình.
Các đại biểu dự hội nghị. |
“Trên cơ sở ý kiến tham gia tại Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh để tiếp tục lãnh đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới với tinh thần vì cái chung, vì người dân, vì sự phát triển của tỉnh; không vì lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng đến công việc chung của tỉnh”, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương khẳng định.
Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Hải Dương: Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá năm 2010) ước tăng 3,6%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,8%; dịch vụ tăng 8,4%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch nhanh sang ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP có sự chuyển dịch tích cực.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 87.200 tỷ đồng, tăng 14,1%. Giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt 11,45 triệu USD, tăng 16,1%; hàng hoá nhập khẩu 8,655 triệu USD, tăng 13,8%; ước đón và phục vụ khoảng 1.231.000 lượt khách du lịch (tăng gần 90 lần so với năm 2021), doanh thu ước đạt 573,7 tỷ đồng, tăng 47,8 lần.
Năm 2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 19.300 tỷ đồng, tăng 30% so với dự toán năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 53.100 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2021.