Trong tờ trình của bà Liesje Schreinemacher không nêu tên Trung Quốc, một đối tác thương mại quan trọng của Hà Lan, cũng như không nêu tên ASML, công ty bán dẫn hàng đầu châu Âu và là đơn vị cung cấp chính cho các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu.
Tuy nhiên, Reuters nhận định, cả phía Trung Quốc và công ty ASML sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu những hạn chế mới từ phía Chính phủ Hà Lan được thực thi. Đặc biệt với công nghệ in bản thạch DUV (Deep UltraViolet) của công ty ASML đang bán cho các nhà sản xuất chip máy tính khác trên thế giới.
Bà Schreinemacher cho biết, Hà Lan sẽ đưa ra danh sách kiểm soát quốc gia đối với công nghệ in bản thạch DUV này với mục đích bảo đảm an ninh quốc gia. Điều này đồng nghĩa ASML sẽ phải xin giấy phép để xuất khẩu máy móc.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu ASML có được tiếp tục phục vụ các khách hàng đang hoạt động tại Trung Quốc nữa hay không. Bộ trưởng Liesje Schreinemacher nêu rõ, Chính phủ Hà Lan sẽ thận trọng hơn trong việc đưa ra những quyết định sắp tới để tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Các nhà phân tích cho rằng, thông báo mới này đánh dấu động thái cụ thể đầu tiên của Hà Lan, quốc gia có vai trò quan trọng trong công nghệ sản xuất chip thiết yếu toàn cầu. Đồng thời, đây cũng được xem như "cái bắt tay" với Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Bởi trước đó, hồi tháng 1/2023, Mỹ đã đạt được thoả thuận với Hà Lan và Nhật Bản nhằm áp đặt các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu công nghệ vi mạch tiên tiến sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo South China Morning Post, Trung Quốc được cho là đang bắt kịp với các đối thủ trong ngành công nghiệp bán dẫn dù từng bị đánh giá có rất ít năng lực về thiết bị bán dẫn. Hồi tháng 2/2022, Shanghai Micro, nhà sản xuất thiết bị in thạch bản hàng đầu của Trung Quốc đã thành công sản xuất máy in thạch bản bao bì tiên tiến 2.5D3D đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp vi mạch tích hợp tại quốc gia này.
Mặc dù các nhà sản xuất bán dẫn của Trung Quốc không thể sản xuất chip 3 nm đến 5 nm như TSMC và Samsung chế tạo, nhưng có thể đóng gói các chip 14 nm cũ hơn vào các cấu hình 3D cho ra kết quả tương tự, với giá thấp đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu - một trong những lợi thế của Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ hiện chưa đưa ra bình luận sau thông báo mới nhất từ đồng minh Hà Lan. Reuters cũng tiết lộ, Chính phủ Nhật Bản dự kiến trong tuần này cũng sẽ đưa ra những quyết định quan trọng về xuất khẩu chip theo sự thúc giục từ phía Mỹ.