Phối cảnh TBA 220kV Ứng Hòa và đấu nối. Nguồn: VGP. |
Theo quyết định nêu trên, nhà đầu tư được UBND TP Hà Nội lựa chọn là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), có trụ sở số 18 Trần Nguyên Hãn, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các quy định của pháp luật có liên quan và làm thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chuẩn xác và tính hợp pháp của các thông tin, số liệu, tài liệu gửi kèm hồ sơ dự án đầu tư đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư;
Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, quy hoạch, điện lực, bảo vệ môi trường và các văn bản có liên quan đến dự án, các quy định của thành phố.
Dự án Trạm biến áp 220kV Ứng Hòa và đấu nối có quy mô công suất thiết kế là 750MVA (gồm 3 MBA 220/110/22 kV-250 MVA). Quy mô xây dựng sẽ triển khai một số hạng mục công trình chính có công năng sử dụng cho TBA 220kV Ứng Hòa.
Phần đường dây đầu nối sẽ xây dựng mới đoạn đường dây 220kV, gồm 4 mạch (giai đoạn này treo trước 2 mạch), dài khoảng 0,51 km đầu nối chuyền tiếp trên 1 mạch Đường dây 220kV Hà Đông – Phủ Lý (hiện hữu).
Vốn đầu tư của dự án khoảng 483,65 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Tiến độ thực hiện dự án đến quý 11/2026.
Mục tiêu dự án nhằm tăng cường khả năng đáp ứng yêu cầu phụ tải vùng IV nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Hỗ trợ, giảm tải cho trạm biến áp (TBA) 220kV Thường Tín và một số TBA 220kV lân cận như: Hà Đông, Phủ Lý.
Dự án sẽ góp phần tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia; tăng cường độ ổn định cung cấp điện, giảm tổn thất công suất, tổn thất điện năng trong hệ thống, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
UBND TP Hà Nội giao các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài chính; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Công an Hà Nội, Cục thuế Hà Nội; UBND huyện Ứng Hòa căn cứ chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết các thủ tục triển khai tiếp theo của dự án cho nhà đầu tư theo quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố; thực hiện nội dung giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành theo quy định.