Hai doanh nghiệp thép báo lỗ kỷ lục do giá giảm mạnh, tồn kho cao

Thép VICASA VNSTEEL
10:28 - 17/10/2022
CTCP Thép Vicasa - VNSteel.
CTCP Thép Vicasa - VNSteel.
0:00 / 0:00
0:00
Dự báo của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long vài tháng trước về "kết quả kinh doanh ngành thép sẽ thê thảm" đang ngày càng rõ ràng, khi có 2 doanh nghiệp trong ngành này là VNSteel và Thép Thủ Đức vừa báo lỗ kỷ lục trong quý 3/2022.

CTCP Thép Vicasa - VNSteel (mã VCA) công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với doanh thu thuần đạt 477 tỷ đồng, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn bán hàng lên tới 487 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của công ty âm gần 10 tỷ đồng.

Cộng thêm các khoản chi phí đều tăng so với cùng kỳ nên kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty âm gần 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 2 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ nặng nhất của VCA kể từ khi niêm yết (năm 2010).

Theo giải trình từ doanh nghiệp, ảnh hưởng chiến tranh Nga - Ukraine, chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc, lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng đến ngành thép và xây dựng trong nước. Bên cạnh đó, việc hạn chế tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản làm giảm nhu cầu sử dụng thép.

So với quý 2/2021, sản lượng tiêu thụ sản phẩm của Thép Vicasa rất ít, giá giảm mạnh, hàng tồn kho giá cao và chi phí tài chính tăng do hàng hóa luân chuyển chậm, lãi suất vay tăng đã tác động đến kết quả quý 2/2022 của công ty.

Thời điểm cuối tháng 9/2022, hàng tồn kho của VCA lên tới 380 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản. Công ty đã phải trích lập dự phòng giảm giá cho khoản này 3,2 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, VCA mang về 1.834 tỷ đồng doanh thu; giảm nhẹ gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế âm gần 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 42 tỷ đồng. Năm nay, Thép Vicasa đặt mục tiêu có lãi trước thuế 20,7 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, công ty còn cách xa kế hoạch có lãi cả năm.

Trước Vicasa, Thép Thủ Đức (mã chứng khoán TDS) cũng báo lỗ quý kỷ lục kể từ năm 2008. Mặc dù doanh thu thuần tăng nhẹ lên 406 tỷ đồng, song do giá vốn đội lên cao, cộng loạt chi phí tăng mạnh nên doanh nghiệp bị lỗ ròng hơn 21 tỷ đồng trong quý 3/2022, so với cùng kỳ năm trước lỗ 643 triệu đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm, Thép Thủ Đức mang về 1.500 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Từ mức lãi sau thuế 46 tỷ đồng ở 9 tháng đầu năm trước, sang năm nay doanh nghiệp bị lỗ gần 16 tỷ đồng.

Giống như Thép Vicasa, Thép Thủ Đức cũng có hàng tồn kho chiếm tới 85% tổng tài sản (428 tỷ đồng). Doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 7,5 tỷ đồng.

Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính quý 3 nhưng CTCP Thép Pomia (mã POM) đã cho thấy tình hình kinh doanh khó khăn khi thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF) từ ngày 23/9/2022, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty.

Theo POM, lý do không thể duy trì được lò cao là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu cùng các loại hàng hoá leo thang, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào phục sản xuất của nhà máy đã tăng mạnh trong khi hệ lụy của dịch bệnh chưa khắc phục được.

Trong khi đó, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp. Nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn trên toàn cầu với mức độ trầm trọng, phải tạm dừng hoạt động, kéo theo quyết định cho một số cán bộ nhân viên nghỉ vì dừng lò.

Trong quý 2/2022, lợi nhuận của POM đã âm kỷ lục tới 63,8 tỷ đồng, giảm 162,5% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh thu đạt 2.250 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước nhưng do doanh thu tài chính sụt giảm mạnh cùng gia tăng của các loại chi phí cùng giá vốn hàng bán đã đẩy lợi nhuận của POM đi xuống.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu sử dụng thép trong nước thực tế vẫn ở mức thấp, xuất khẩu cũng giảm nhiều do giá cao hơn giá khu vực nên sản lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 9 giảm mạnh.

Hiện tại các nhà máy thép đều đối diện mức lỗ lớn do tồn kho lớn ở mức giá cao, đồng thời đối diện mức lỗ hàng tháng lớn. Các nhà thương mại và cửa hàng cũng giảm bớt lượng mua vào vì tâm lý e ngại giá có thể giảm.

Nguồn: VSA

Nguồn: VSA

Việc ngành thép gặp khó khăn đã được Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long dự báo từ trước. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của Hòa Phát, ông Long cho biết ngành thép “đang không thuận lợi”. “Tới quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào", ông Long nói với cổ đông.

Theo Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, ngành thép gặp khó khăn trong năm 2022 do nguyên vật liệu tăng mạnh ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine; việc Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-Covid khiến cũng khiến nhu cầu thép giảm tại thị trường này giảm.

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp thép đều ghi nhận kết quả kinh doanh giảm sút trong quý 2/2022. Hòa Phát chỉ lãi hơn 4.000 tỷ, giảm mạnh so với mức 9.700 tỷ của quý 2/2021. Chứng khoán SSI cũng vừa hạ ước tính lợi nhuận sau thuế trong quý 3 của doanh nghiệp này xuống còn 2.100 tỷ đồng, giảm mạnh 80% so với mức đỉnh cùng kỳ năm trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Doanh nhân Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong

ĐHĐCĐ Đức Giang: Sáp nhập PAT

Nghiên cứu sáp nhập PAT là một trong các định hướng đầu tư quan trọng của Hóa chất Đức Giang trong năm 2024, bên cạnh xúc tiến xin giấy phép dự án Alumin hay khởi công tổ hợp xút Nghi Sơn giai đoạn 1.
ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.