Danh nhân được tổ chức UNESCO vinh danh
Chí Linh (Hải Dương) là mảnh đất địa linh nhân kiệt tiêu biểu thời phong kiến, với thế đất “Lục thuỷ tứ linh”, sáu con sông giao hòa một mối gọi là Lục Đầu giang. Nơi đây còn có dãy núi Phượng Hoàng với 72 ngọn, tượng trưng cho 72 con chim Phượng Hoàng tung cánh. Mến cảnh đẹp này mà nhà giáo Chu Văn An đã chọn Phượng Hoàng làm nơi ẩn cư.
Các nguồn sử liệu cho rằng, thầy giáo Chu Văn An (tên hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triết) sinh năm 1292 tại làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Ông đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục ở ba nơi là Thanh Trì, Thăng Long (Hà Nội) và Chí Linh (Hải Dương).
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các đại biểu dâng hương tưởng niệm 652 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An. |
Ngay từ hồi còn trẻ, Chu Văn An đã nổi tiếng là một người cương trực, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, ham thích đọc sách và tự học. Ông nổi tiếng với kiến thức sâu rộng và tấm lòng trong sạch, thẳng ngay, đạo đức thanh cao, được mọi người kính phục, nể trọng.
Ông là một trong những nhà giáo đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam mở trường tư thục để giảng dạy cho mọi tầng lớp nhân dân. Nhờ trường của thầy Chu Văn An, con em nhà bình dân đã có chỗ học, nhiều người trong số họ học giỏi, đỗ cao, trở thành nhân tài của đất nước, trong đó có Phạm Sư Mạnh, Lê Quát…
Với tài năng xuất chúng, đức độ hơn người nên thầy Chu Văn An đã được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy thái tử và con em các quan lại học tập.
Nhưng tới thời vua Trần Dụ Tông triều đình rối ren, vua quan ăn chơi sa đọa, không quan tâm đến việc triều chính. Sau nhiều lần khuyên can không được, Chu Văn An đã dâng Thất trảm sớ (xin chém bảy tên nịnh thần gây tổn hại quốc gia), để mong giữ yên triều chính. Tuy nhiên việc khuyên vua không thành, ông xin từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng. Tại đây, ông tiếp tục dạy học và viết sách, làm thơ, tìm thuốc chữa bệnh cho người dân.
Năm 1370, ông mất tại núi Phượng Hoàng. Khi ông qua đời, đền thờ ông được lập ngay trên nhà ở ẩn có tên Phượng Sơn linh từ, nay là đền thờ Chu Văn An (còn gọi là đền Phượng Hoàng).
Tháng 11/2019, tại Kỳ họp lần thứ 40 Đại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO đã vinh danh danh nhân Chu Văn An và ra nghị quyết cùng Việt Nam tiến hành các hoạt động kỷ niệm 650 năm ngày mất của ông vào năm 2020. Như vậy, cùng với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Đại thi hào Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thầy giáo Chu Văn An là người Việt Nam thứ tư được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh.
Đền thờ Chu Văn An tọa lạc trên núi Phượng Hoàng (phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương). |
Dâng hương tưởng nhớ tiền nhân
Ngày 19/12/2022 (tức ngày 26/11 năm Nhâm Dần), tại đền thờ Chu Văn An (phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ thành phố Chí Linh đã trang trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 652 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An.
Đây là dịp để cán bộ, nhân dân thành phố Chí Linh; cán bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương và nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ được bày tỏ tấm lòng tri ân, thành kính ngưỡng mộ người thầy tiêu biểu của Việt Nam. Đồng thời là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những giá trị tinh thần to lớn của danh nhân Chu Văn An để lại cho đời sau.
Hàng năm, lễ hội đền Chu Văn An thường diễn ra vào ngày 6 tháng Giêng (âm lịch) với tên gọi “Lễ khai bút đầu năm” và “Lễ hội về nguồn” diễn ra vào dịp kỷ niệm ngày mất của thầy Chu Văn An (ngày 26/11 âm lịch). Khu di tích là địa chỉ thường xuyên được học sinh, sinh viên các trường học trên cả nước đến dâng hương, xin chữ, cầu mong học hành, thi cử hanh thông, thuận lợi. Đồng thời, nơi đây cũng là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước…
Nhà giáo Chu Văn An đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo; học phải đi đôi với thực hành, tự suy nghĩ, khơi dậy, phát hiện chân lý cũng như khả năng ẩn giấu trong từng con người; học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội.
Tư tưởng giáo dục của ông là đề cao sự công bằng, bình đẳng, coi trọng giáo dục con người và văn hóa. Tư tưởng đó, không chỉ ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt, mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Quan điểm giáo dục của ông có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay.