Vùng vải thiều Thanh Hà, Hải Dương. Ảnh: Bộ Công Thương |
Tiếp tục chú trọng thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ
Theo thông tin từ Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), năm nay, thị trường Trung Quốc yêu cầu khắt khe hơn với nông sản nhập khẩu, bởi vậy, xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc có nhiều thách thức. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường lớn của quả vải Việt Nam nên các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng.
Nhận thức được yêu cầu ngày càng cao của thị trường, bà Lương Thị Kiểm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Dương cho biết tỉnh đang hướng tới phát triển đa giá trị của sản phẩm nông nghiệp, vừa phát triển du lịch sinh thái, vừa hình thành vùng trồng tập trung, vùng nguyên liệu sạch, hữu cơ cho các sản phẩm nông sản, trong đó có vải thiều.
Đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng vật tư đầu vào, giải quyết các vấn đề kỹ thuật mà thị trường nhập khẩu yêu cầu như cấp mã số vùng trồng hay kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp đơn vị liên quan cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Đến nay, toàn tỉnh Hải Dương đã có 199 mã số vùng trồng vải được cấp với tổng diện tích 1.119 ha và 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Australia, Newzeland, Nhật Bản, Thái Lan.
Riêng huyện Thanh Hà hiện có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số vùng trồng xuất khẩu và đang hoàn thiện các quy định để duy trì 11 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp, đăng ký cấp mới 3 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc với công suất 500 tấn/ngày.
Vườn vải thiều Thanh Hà chờ ngày kết quả. Ảnh: Anh Thư |
Theo bà Kiểm, mỗi thị trường xuất khẩu có một tiêu chí riêng nên Hải Dương đã tổ chức ký cam kết với hệ thống các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn cho đội ngũ này để giúp cơ quan chuyên môn tư vấn cho người trồng sử dụng đúng và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật cho vải thiều.
Để chủ động trong khâu tiêu thụ, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và UBND huyện Thanh Hà đã tổ chức ký kết hợp tác tiêu thụ vải giữa các HTX, hộ sản xuất và doanh nghiệp.
Phương châm của Hải Dương trong chiến lược tiêu thụ vải năm nay là “đa dạng hóa thị trường xuất khẩu song song với giữ vững thị trường trong nước”. Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết, ngay từ đầu mùa vải, ngành công thương đã sớm triển khai xúc tiến thương mại.
Ngành đã kết nối với các tỉnh thành phố, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá chất lượng, sản lượng vải Hải Dương và thông qua hội nghị quốc tế để giới thiệu quả vải Thanh Hà tới thị trường mới.
Huyện Thanh Hà cũng đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại tại nhiều tỉnh thành phố, tập trung phối hợp với trung tâm, siêu thị lớn tại các thành phố tập trung dân cư, khu công nghiệp; tổ chức Tuần lễ Vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội; lập đoàn xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều tại một số địa phương, cửa khẩu...
Nhà nông chủ động đón cơ hội
Theo ông Trần Trung Lìn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương, hiện Thanh Sơn có 22 vùng là sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap. Vải thiều Thanh Sơn đạt chứng nhận OCOP 4 sao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu - là thị trường có các tiêu chuẩn rất khắt khe.
"Nhờ làm theo đúng hướng dẫn, vải thiều của Thanh Sơn xuất khẩu đến một số nước trên thế giới như Singapore, các nước EU và Australia, nhất là thị trường Mỹ rất khó tính. Khi các nước khó tính chấp nhận thì họ sẵn sàng thu mua với giá ổn định. Trên cơ sở đó nhân dân xã Thanh Sơn, nhất là những hộ trong vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn Global Gap, cũng yên tâm. Thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận rồi thì yên tâm, không lo bấp bênh đầu ra nữa"
Chị Lê Thị Sinh, người trồng vải ở Thanh Quang, Thanh Hà cho biết, năm 2022 mấy sào vải đã đem về cho chị thu nhập hơn 80 triệu đồng. Xã, huyện, tỉnh rất quan tâm tới cây vải, hỗ trợ giới thiệu thương lái, quảng cáo quả vải... Cán bộ nông nghiệp thường xuyên về hướng dẫn bà con chăm sóc đúng quy trình, tập huấn về cấp mã vùng trồng.
Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, việc trồng vải, quảng bá, tiêu thụ vải dần bài bản hơn, giá vải và chất lượng vải những năm gần đây cũng ngày một nâng cao. Ảnh: Anh Thư |
Chị Sinh đánh giá, nhờ sự hỗ trợ của địa phương, việc trồng vải, quảng bá, tiêu thụ vải dần bài bản hơn, giá vải và chất lượng vải những năm gần đây cũng ngày một nâng cao.
Không chỉ tuân thủ hướng dẫn của cơ quan quản lý, người trồng vải còn đang từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kinh doanh vải thiều Thanh Hà, dù với họ, nghe "ứng dụng công nghệ thông tin" dường như rất to tát.
"Thực ra ứng dụng công nghệ thông tin đối với địa phương thì cũng còn hạn chế. Tuy nhiên chúng tôi cũng cố gắng khai thác hết những gì có thể. Tôi sử dụng điện thoại cá nhân chụp cảnh vườn vải, cảnh chăm sóc cây vải để đưa lên trang Facebook của tất cả các thành viên để quảng bá chung. Khi mở lớp tập huấn và mời giảng viên về hướng dẫn thì chúng tôi cũng đều quay video đưa lên trang Facebook. Qua mạng xã hội, bằng công nghệ thông tin người mua theo dõi được vùng trồng vải, thấy quy trình sản xuất an toàn, chất lượng vải tốt sẽ yên tâm và bán được giá"
Còn ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp Hợp Đức, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cũng chia sẻ, mỗi một mùa vải thiều, HTX Hợp Đức bình quân thu hoạch 4 - 5 tạ/sào, chủ yếu xuất sang Trung Quốc và một phần xuất sang nhật Bản, Hoa Kỳ, EU... những thị trường khó tính, do các doanh nghiệp Ameii, Rồng đỏ làm đầu mối.
Ông Hiển cho biết HTX đã thành lập nhóm zalo "Chăm sóc bảo vệ thực vật trên cây vải" tập hợp tất cả các chủ vườn để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây, nhắc nhở nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai quy trình...