Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Hải Dương là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn nhằm thực hiện chức năng cho vay cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên của tổ hợp tác và hợp tác xã theo quy định tại Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ và pháp luật có liên quan.
Quỹ có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại tỉnh Hải Dương theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức bộ máy Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Hải Dương, gồm có chủ tịch quỹ; kiểm soát viên; ban điều hành gồm giám đốc, các phó giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.
Phương án cấp vốn điều lệ và nguồn vốn bổ sung cho Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Hải Dương, gồm vốn điều lệ quỹ tại thời điểm kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động là 20 tỷ đồng, được bố trí từ ngân sách tỉnh.
Nguồn vốn bổ sung giai đoạn 2024 - 2030 gồm vốn bổ sung từ ngân sách tỉnh, trên cơ sở cân đối nguồn ngân sách tỉnh bố trí nguồn vốn bổ sung Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; nguồn vốn huy động ngoài ngân sách, đó là trích lãi thu được từ hoạt động cho vay Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh; nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân, trong nước theo quy định và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Hải Dương hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Ảnh: Phùng Nguyện. |
Góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể phát triển
Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hải Dương, năm 2009, cơ quan này xây dựng Đề án thành lập quỹ và được UBND tỉnh Hải Dương cấp vốn hoạt động cho vay theo Quyết định số 4226/QĐ-UBND tỉnh ngày 07/12/2009 số tiền 2 tỷ đồng, năm 2010 cấp bổ sung 1 tỷ đồng, tổng số cấp sử dụng để thực hiện cho vay các dự án hỗ trợ phát triển HTX là 3 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến nay quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã thực hiện cho vay được 71 lượt dự án phát triển sản xuất kinh doanh với tổng số tiền gần 19 tỷ đồng.
Hoạt động của quỹ đã giúp nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác và thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, tăng tài sản, doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của thành viên, trong đó nhiều hợp tác xã đã trở thành các hợp tác xã điển hình tiên tiến, hộ thành viên hợp tác xã sản xuất kinh doanh giỏi; phát huy được tiềm năng phát triển của kinh tế hộ, hộ nghèo tham gia hợp tác xã đã từng bước thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó, quỹ là công cụ để hiện thực hóa chính sách hỗ trợ tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, Quyết định số 135 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, tăng cường mối liên kết giữa thành viên với liên minh hợp tác xã, qua đó là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, góp phân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Hoạt động của các quỹ hiện nay đã tạo kênh tài chính quan trọng cho hệ thống liên minh hợp tác xã, góp phần cùng với các hoạt động hỗ trợ khác thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể phát triển.
Từ khi thành lập đến nay, hoạt động của quỹ hợp tác xã đã góp phần tích cực giúp các hợp tác xã có vốn vay lãi suất ưu đãi bằng 60% lãi suất ngân hàng thương mại để triển khai thực hiện hoạt động tín dụng phục vụ thành viên, đặc biệt là trong nông nghiệp. Mặc dù tổ chức bộ máy chuyên môn hiện tại toàn bộ do cán bộ viên chức Liên minh Hợp tác xã kiêm nhiệm, hoạt động của quỹ hợp tác xã ngày càng được cải thiện và phát huy hiệu quả, bảo toàn vốn Nhà nước cấp, đảm bảo được hoạt động của bộ máy và có tích lũy các quỹ từ chênh lệch thu - chi hàng năm, từ đó bổ sung thêm một phần vốn vay cho các hợp tác xã.
Cũng theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hải Dương, phát triển kinh tế tập thể là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Tuy nhiên, thời gian qua kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh phát triển còn chưa xứng với yêu cầu nhiệm vụ, tiềm năng phát triển của tỉnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thiếu vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh là điểm nghẽn chính trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế tập thể hàng năm của tỉnh Hải Dương, phần giải pháp phát triển kinh tế tập thể là triển khai có hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã của tỉnh theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ luôn được UBND tỉnh đưa ra như một giải pháp quan trọng là cầu nối, thúc đẩy sự phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…
Hoạt động của quỹ đã giúp nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác và thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, tăng tài sản, doanh thu, lợi nhuận… Ảnh: Phùng Nguyện. |
Theo số liệu khảo sát của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hải Dương, nhu cầu vốn phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hiện nay là rất lớn, lên tới khoảng hơn 200 tỷ đồng/năm,trong khi, khả năng tự lực vốn của các hợp tác xã chỉ dưới 20% số vốn cần thiết cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam; bình quân khoảng 8% số hợp tác xã được vay vốn của các tổ chức tín dụng hàng năm. Kết quả khảo sát cũng cho thấy 95% hợp tác xã thành viên cho rằng cần thiết phải thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh và mong muốn được thành lập quỹ, có nhu cầu vay vốn từ quỹ.
Giai đoạn 2022 - 2025, dự báo kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh tiếp tục phát triển cả về quy mô và hiệu quả hoạt động. Đến năm 2025, dự kiến toàn tỉnh có khoảng gần 600 hợp tác xã, với tổng nhu cầu vốn tín dụng bình quân một năm khoảng 250 tỷ đồng, trong đó hợp tác xã khoảng 100 tỷ đồng (nhu cầu vốn tín dụng ngắn hạn 60 tỷ đồng, trung và dài hạn khoảng 40 tỷ đồng); thành viên hợp tác xã khoảng 150 tỷ đồng (nhu cầu vốn tín dụng ngắn hạn khoảng 85 tỷ đồng, trung và dài hạn 65 tỷ đồng).
Các hợp tác xã hiện tại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, tổ chức sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế; vốn tự có ít, thiếu vốn trung và dài hạn để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất xanh, sạch, đòi hỏi các hợp tác xã phải đầu tư đồng bộ theo chuỗi liên kết dẫn đến chi phí đầu tư tăng, theo đó nhu cầu vay vốn tín dụng của các hợp tác xã và thành viên cũng tăng lên.
Vì vậy, cần thiết phải có một định chế tài chính nhà nước là quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã để khắc phục được những hạn chế nêu trên, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng ngày càng tăng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Đồng thời, là nguồn lực chính để xây dựng các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, mô hình hợp tác xã kiểu mới theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh; tạo điều kiện cho việc huy động các nguồn vốn khác như vốn ủy thác từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác; vốn huy động từ thị trường để tăng khả năng nguồn vốn cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh.
Bên cạnh đó, tạo sự gắn kết giữa hợp tác xã với thành viên, vì hợp tác xã có thể bảo lãnh cho thành viên vay vốn và ngược lại, thành viên có thể bảo lãnh cho nhau, từ đó thu hút được thành viên, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững…
Hiện nay toàn tỉnh Hải Dương có một liên hiệp hợp tác xã và 548 hợp tác xã, trong đó có 367 hợp tác xã trong nông nghiệp gồm 279 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 15 hợp tác xã chăn nuôi, 30 hợp tác xã thủy sản, 40 hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, 3 hợp tác xã nước sạch. Số hợp tác xã phi nông nghiệp toàn tỉnh có 181 hợp tác xã gồm 71 quỹ tín dụng, 8 hợp tác xã thương mại - dịch vụ, 12 hợp tác xã dịch vụ điện, 8 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 10 hợp tác xã giao thông vận tải, 3 hợp tác xã xây dựng, 7 hợp tác xã vệ sinh - môi trường, 62 hợp tác xã thuộc các lĩnh vực khác... Bên cạnh đó có hơn 200.000 cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân là thành viên trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. |