Hong Kong được xếp hạng đắt đỏ nhất thế giới đối với người lao động quốc tế trong 3 năm liên tiếp. Ảnh: NYT |
Theo CNN, trước đó, Hong Kong cũng là đô thị đắt đỏ nhất thế giới trong báo cáo thường niên năm 2022 và năm 2023 của công ty tư vấn Mercer. Xếp sau Hong Kong năm nay là Singapore - quốc đảo sư tử ở Đông Nam Á.
Vịnh Marina ở Singapore. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN |
Tại châu Á, các đô thị khác của Trung Quốc cũng được đánh giá về mức độ đắt đỏ, gồm Thượng Hải (23), Bắc Kinh (25). Thủ đô Seoul của Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 32. Hai thành phố của Việt Nam gồm thủ đô Hà Nội (172) và TP Hồ Chí Minh (178).
Hầu hết các thành phố khác trong Top 10 về mức chi phí sinh hoạt cao nhất năm 2024 thuộc về Thụy Sĩ, gồm Zurich (3), Geneva (4), Basel (5), và Bern (6). Thủ đô London (Anh) đã thăng hạng từ vị trí thứ 17 vào năm ngoái lên vị trí thứ 8 vào năm nay. Các thành phố khác ở châu Âu gồm Copenhagen (Đan Mạch, 11), Vienna (Áo, 24), Paris (Pháp, 29) và Amsterdam (Hà Lan, 30).
Tại Mỹ, New York vẫn là thành phố đắt đỏ nhất đối với người lao động nước ngoài, xếp vị trí thứ 7 trong báo cáo, theo sau đó là Los Angeles (10), Honolulu (12) và San Francisco (13). Các thành phố khác ở khu vực Bắc Mỹ, bao gồm thủ đô Nassau (Bahamas, 9), Mexico City (33) và Monterrey (40) của Mexico.
New York (Mỹ) là thành phố đắt đỏ thứ 8 trên thế giới |
Tăng 3 bậc so với năm 2023, Dubai đã xếp vị trí thứ 15 trên bảng xếp hạng và trở thành nơi đắt đỏ nhất ở khu vực Trung Đông năm 2024. Theo sau đó là Tel Aviv (Israel, 16), Abu Dhabi (Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, 43),...
Các thành phố đắt đỏ nhất châu Phi góp mặt trong bảng xếp hạng gồm Bangui (Trung Phi, 14), Djibouti (18) và N'Djamena (Tchad, 21).
Tại khu vực Thái Bình Dương, Sydney (Australia) xếp ở vị trí thứ 58, theo sau là Noumea (New Caledonia, 60), Melbourne (Australia, 73), Brisbane (Australia, 89). Auckland và Wellington của New Zealand vẫn là những thành phố có chi phí sinh hoạt rẻ nhất trong khu vực, lần lượt xếp vị trí thứ 111 và 145.
Đứng cuối bảng xếp hạng của Mercer là các thành phố có mức sinh hoạt thấp nhất, gồm Karachi (222), Islamabad (224) của Pakistan, Lagos (225) và Abuja (226) của Nigeria. Nguyên nhân gây ra điều này là do sự mất giá của nhiều đồng tiền tại một số quốc gia.
Giá nhà tăng cao và tác động tài chính
Báo cáo của Mercer chỉ ra rằng, thị trường nhà ở đắt đỏ và chi phí vận chuyển, hàng hóa và dịch vụ tăng cao là một trong những lý do khiến chi phí sinh hoạt ở các thành phố xếp hạng hàng đầu đặc biệt cao.
Trong đó, chi phí nhà ở là yếu tố chính ảnh hưởng đến thứ hạng trong bảng xếp hạng. “Từ năm 2023 đến năm 2024, có rất nhiều biến động về chi phí này trên khắp thế giới, với giá thuê nhà ở khác nhau đáng kể giữa các thành phố,” báo cáo cho hay. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát và biến động tỷ giá hối đoái được cho là đã ảnh hưởng trực tiếp đến “tiền lương và tiết kiệm” của người lao động quốc tế.
Bà Yvonne Traber, người đứng đầu bộ phận di chuyển toàn cầu của Mercer, cho biết: “Những thách thức về chi phí sinh hoạt đã có tác động đáng kể đến các tổ chức đa quốc gia và nhân viên của họ. Điều quan trọng là các tổ chức phải luôn cập nhật thông tin về xu hướng chi phí sinh hoạt và tỷ lệ lạm phát, đồng thời tìm kiếm ý kiến đóng góp từ nhân viên về những vấn đề này để quản lý hiệu quả các tác động của chúng”.
Bảng khảo sát chi phí sinh hoạt của công ty tư vấn Mercer đã xếp hạng 226 thành phố dựa trên tham chiếu chi phí bao gồm nhà ở, giao thông, thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng, giải trí với thành phố New York (Mỹ) được đặt làm cơ sở so sánh.
Xếp hạng thành phố về chi phí sinh hoạt đắt nhất thế giới năm 2024:
1. Hong Kong, Trung Quốc
2. Singapore
3. Zurich, Thụy Sĩ
4. Geneva, Thụy Sĩ
5. Basel, Thụy Sĩ
6. Bern, Thụy Sĩ
7. New York, Mỹ
8. London, Anh
9. Nassau, Bahamas
10. Los Angeles, Mỹ