Hàn Quốc tiếp tục 'phá kỷ lục' tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới

Dân số HÀN QUỐC
15:31 - 28/02/2024
Một trẻ sơ sinh tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Một trẻ sơ sinh tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc – vốn đã thấp nhất thế giới – đã tiếp tục hạ xuống mức chưa từng có vào năm 2023, bất chấp việc Chính phủ đã chi hàng tỷ USD trong nỗ lực đảo ngược xu hướng này.

Yonhap đưa tin, dữ liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 28/2 công bố cho thấy số con trung bình mà một phụ nữ Hàn Quốc sinh ra trong suốt cuộc đời đã giảm từ mức 0,78 vào năm 2022 xuống còn 0,72 vào năm 2023.

Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2023, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc thậm chí đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 0,65. Riêng thủ đô Seoul có tỷ lệ sinh thấp nhất là 0,55 vào năm ngoái.

Con số này đang thấp hơn nhiều so với mức sinh cần thiết 2,1 con/phụ nữ để duy trì dân số ở mức 51 triệu người một cách ổn định mà không cần nhập cư.

Trong năm ngoái, số trẻ sơ sinh được sinh ra ở Hàn Quốc cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục là 229.970 trẻ, giảm 7.7% so với năm 2022. Con số này đã dao động dưới mức 400.000 lần đầu tiên vào năm 2017, sau đó giảm sâu xuống dưới 300.000 vào năm 2020 và xuống dưới 250.000 vào năm 2022. Quốc gia này đã chịu sự suy giảm dân số tự nhiên liên tiếp trong 4 năm kể từ năm 2020 và tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn.

Số trẻ sơ sinh được sinh ra ở Hàn Quốc vào năm 2023 giảm 7,7% so với năm 2022. Ảnh: Business Times

Số trẻ sơ sinh được sinh ra ở Hàn Quốc vào năm 2023 giảm 7,7% so với năm 2022. Ảnh: Business Times

Kể từ năm 2018, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia duy nhất trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tỷ lệ sinh dưới 1.

Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, đến năm 2072, dân số Hàn Quốc dự báo sẽ giảm xuống còn 36,22 triệu người, trong khi độ tuổi trung bình sẽ tăng từ 44,9 (năm 2022) lên 63,4. Tại một diễn đàn năm 2023, GS danh dự David Coleman của Đại học Oxford đã cảnh báo rằng Hàn Quốc có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới biến mất vì tình trạng “tuyệt chủng dân số” vào khoảng năm 2750 nếu tỷ lệ sinh tiếp tục thấp.

Một báo cáo của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Hàn Quốc vào năm 2050 sẽ giảm 28,38% so với mức năm 2022, do dân số trong độ tuổi lao động dự kiến ​​sẽ giảm 34,75% trong giai đoạn này.

Thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã đặt mục tiêu quốc gia là đảo ngược tỷ lệ sinh giảm. Vào tháng 12/2023, Bộ Y tế nước này đã cam kết đưa ra “các biện pháp đặc biệt” để giải quyết tình hình, nhưng vẫn chưa có kế hoạch lớn nào được công bố.

Hàn Quốc đã tăng ngân sách để ứng phó tình trạng nhân khẩu học biến động từ khoảng 2,1 nghìn Won (1,57 tỷ USD) năm 2006 lên 11,1 nghìn tỷ Won (8,31 tỷ USD) vào năm 2012 và tăng lên 21,4 nghìn tỷ won (16,02 tỷ USD) vào năm 2016. Tuy nhiên, khoản chi này mới chỉ chiếm khoảng 2% GDP.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã kêu gọi Chính phủ cần tiếp cận vấn đề tỷ lệ sinh giảm “từ một góc nhìn khác”, nhấn mạnh sự cần thiết phải xác định nguyên nhân và tìm ra giải pháp.

Trong khi đó, các đảng chính trị lớn của nước này đã công bố một loạt các biện pháp để đảo ngược tỷ lệ sinh thấp kỷ lục như đảm bảo quyền nghỉ phép của cha mẹ, thành lập Bộ Dân số để giám sát sự thay đổi về nhân khẩu học, cung cấp nhà thuê cho các cặp vợ chồng nhiều con và tăng trợ cấp tiền nhà.

Kết hôn được coi là điều kiện tiên quyết để có con ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, tình trạng kết hôn muộn hoặc không kết hôn tại nước này đang có xu hướng gia tăng chủ yếu là vì chịu gánh nặng tài chính cao.

Theo Reuters, Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực đang phải vật lộn với tình trạng dân số già. Tỷ lệ sinh ở nước láng giềng Nhật Bản đạt mức thấp kỷ lục 1,26 vào năm 2022, trong khi Trung Quốc ghi nhận mức thấp kỷ lục 1,09.

Hàn Quốc trước đó đã dự đoán tỷ lệ sinh của nước này có thể sẽ giảm thêm xuống còn 0,68 vào năm 2024.

Tin liên quan

Đọc tiếp