Gian hàng của Thương vụ giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Philippines. Ảnh: Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines |
Chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Phùng Văn Thành – Tham tán thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines cho biết, Philippines có quy mô dân số lớn, trong đó tỷ lệ dân số có thu nhập thấp và thu nhập trung bình lớn. GDP hàng năm của Philippines đạt trên dưới 400 tỷ USD, bình quân đầu người đạt trên 3.500 USD.
Do phân hóa xã hội nên Philippines có sự phân hóa trong tiêu dùng dẫn tới nhu cầu hàng hóa, dịch vụ khá đa dạng. Thị trường Philippines cũng không đòi hỏi quá cao trong tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng của Philippines lớn nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, sản xuất trong nước khá hạn chế tạo nên áp lực lớn về mở cửa thị trường cho các loại hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, sản phẩm lương thực.
“Đây chính là các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang Philippines. Ngoài ra, nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người dân quốc gia này khá tương đồng với Việt Nam nên hầu hết sản phẩm của Việt Nam đều phù hợp và có khả năng xâm nhập thị trường,” ông Phùng Văn Thành nhận định.
Cùng với các yếu tố như khoảng cách địa lý, nét tương đồng về văn hóa tiêu dùng…, Philippines được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện nay, có khoảng 35 mặt hàng/ngành hàng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Philippines, trong đó các mặt hàng nông sản có kim ngạch cao nhất. Trong quý 1/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines đạt gần 1,95 tỷ USD, bao gồm xuất khẩu đạt gần 1,24 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước (YoY), nhập khẩu gần 703,9 triệu USD, tăng 14,9 %YoY.
Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Philippines, với lượng và kim ngạch xuất khẩu năm 2022 lần lượt đạt trên 3,2 triệu tấn và gần 1,5 tỷ USD, chiếm khoảng 85% trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippine đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,6% YoY, lượng gạo xuất khẩu đạt 3,1 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2022, mặc dù vậy, vẫn chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines.
Thách thức mà doanh nghiệp Việt đối mặt tại quốc đảo Philippines?
Theo ông Phùng Văn Thành, kim ngạch nhập khẩu hàng năm của Philippines khá lớn, năm 2021 là 116,9 tỷ USD, năm 2022 là 137,2 tỷ USD, năm 2023 là 125,95 tỷ USD.
Danh sách các quốc gia xuất khẩu hàng đầu vào Philippines bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Mỹ. Việt Nam xếp cuối trong danh sách 10 đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
"Tại Philippines, trong các nước thuộc ASEAN, sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của Indonesia. Ngoài ASEAN, sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Trung Quốc. Đây là hai quốc gia có lợi thế trong sản xuất nhiều loại hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc với các mặt hàng giá rẻ," ông Phùng Văn Thành cho biết.
Trung Quốc và Indonesia còn có lợi thế trong hoạt động logistics. Chính vì vậy, hàng hóa xuất khẩu của Indonesia và Trung Quốc vào Philippines có tính cạnh tranh, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược cạnh tranh tốt tại thị trường này.
Kinh tế Philippines tăng trưởng 5,7% quý 1/2024
Việt Nam là nguồn cung đảm bảo an ninh lương thực cho Philippines
Đối với các sản phẩm cao cấp nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản thì sản phẩm của Việt Nam càng khó cạnh tranh hơn, ông Thành nhận định.
Mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Philippines là gạo cũng bắt đầu chịu áp lực khi Chính phủ Philippines đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu gạo, tránh bị phụ thuộc quá mức vào một nhà cung ứng, đặc biệt trong điều kiện vấn đề an ninh lương thực được chú trọng do có những bất ổn địa chính trị trên toàn cầu và thay đổi trong chính sách thương mại gạo của một số quốc gia sản xuất lúa gạo lớn như Ấn Độ.
Đối với một số mặt hàng có khối lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn khác của Việt Nam vào Philippines như xi măng và clinker, sắt thép thời gian qua cũng bị Philippines thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, như việc điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng xi măng của Việt Nam.
Doanh nghiệp cần làm gì để giữ vững thị trường?
Tại Philippines, theo ông Phùng Văn Thành, mặt hàng xuất khẩu chủ lực và quan trọng của Việt Nam trước hết vẫn là mặt hàng nông sản, đặc biệt là gạo, bởi khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines chiếm phần lớn, khoảng trên dưới 45% trong tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, chiếm trên dưới khoảng 85% trong tổng lượng gạo nhập khẩu hàng năm của Philippines.
Trong thời gian tới, ông Thành cho rằng, gạo Việt Nam vẫn có lợi thế nhất định tại thị trường này. Mặc dù vậy, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng khi Philippines chủ trương và đã bước đầu thành công trong việc đa dạng hóa nguồn cung. Việc đa dạng hóa nguồn cung làm cho đối tác Philippines có nhiều lựa chọn hơn và có cơ hội đẩy áp lực đàm phán sang phía các doanh nghiệp Việt Nam.
Gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam tham gia quảng bá tại Philippines. Ảnh: Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines |
"Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam một mặt vẫn phải giữ vững lập trường, lòng tin vào lợi thế của gạo Việt Nam tại Philippines để có phương án đàm phán mang lại lợi ích lớn nhất cho doanh nghiệp, nông dân và đất nước.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải ý thức được nguy cơ của cạnh tranh, từ đó không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, giữ vững và nâng cao chất lượng gạo, ý thức hơn trong việc xây dựng uy tín, lòng tin với đối tác bạn hàng để không chỉ duy trì được quan hệ bạn hàng truyền thống mà còn tìm kiếm, mở rộng thêm những đối tác, bạn hàng mới", ông Phùng Văn Thành gợi mở.
Ngoài ra, về lâu dài, cần phải xây dựng chuỗi liên kết bền chặt từ người nông dân, tới doanh nghiệp thu mua, xay sát, nhà quản lý, doanh nghiệp xuất khẩu, công ty logistics…. Mục đích nhằm giảm giá thành tổng thể, gia tăng thêm năng lực cạnh tranh cho sản phẩm gạo của Việt Nam, trong khi lợi ích của từng chủ thể tham gia trong từng khâu vẫn được đảm bảo, tất cả cùng có lợi.
Đối với những mặt hàng nông sản khác như cà phê, hạt điều, hạt tiêu..., các sản phẩm chế biến, chế tạo khác, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá thông qua các sự kiện như hội chợ, triển lãm, lễ hội tiêu dùng... tại Philippines.
"Thương vụ Việt Nam tại Philippines luôn đồng hành, chia sẻ thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khám phá tiềm năng, giới thiệu và quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng Philippines", ông Phùng Văn Thành chia sẻ.