Hạt điều của Việt Nam chiếm thị phần số 1 tại nhiều thị trường lớn

XUẤT KHẨU Việt nAM
21:06 - 13/12/2021
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
Hạt điều của Việt Nam đã có mặt tại hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ và hiện đang chiếm thị phần lớn tại các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Nga...

Tổng cục Hải quan Việt Nam ước tính năm 2021 xuất khẩu điều đạt khoảng 577.400 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,63 tỷ USD, tăng 13% về giá trị và tăng 12% về lượng so với năm 2020.

Theo Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, giá xuất khẩu bình quân hạt điều trong tháng 11 và tháng 12/2021 ở ngưỡng 6.500 USD/tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Dịp Giáng sinh đang đến, khiến nhu cầu và số lượng tiêu thụ hạt điều trong quý 4 tăng tại các thị trường như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc... đã thúc đẩy xuất khẩu điều tăng lên.

Theo đại diện Hiệp hội điều Việt Nam, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nhân điều lớn nhất của Việt Nam, đạt khối lượng 149.000 tấn, trị giá hơn 880.600 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hạt điều của Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là lợi thế của ngành xuất khẩu điều trong bối cảnh dịch COVID-19, bởi thị trường này bị ảnh hưởng hoặc đóng cửa giao thương thì các thị trường khác vẫn có thể hoạt động, tránh được đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu hạt điều.

Đứng thứ 2 là thị trường châu Âu chiếm tỷ trọng hơn 24% kim ngạch xuất khẩu điều cả nước.

Thị trường Trung Quốc chiếm hơn 14% kim ngạch. Ấn Độ cũng là một trong những thị trường chủ lực nhập khẩu hạt điều Việt Nam.

Cơ hội tăng trưởng tại thị trường Đức, Đài Loan, Nga

Theo cơ quan thống kê châu Âu, nhập khẩu hạt điều của Đức chiếm khoảng 29% trong tổng lượng và kim ngạch toàn khối. Việt Nam vẫn chiếm thị phần số 1 tại thị trường Đức nhờ nguồn cung ổn định và chất lượng đảm bảo.

Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho biết, mặc dù 9 tháng năm 2021 Đức nhập khẩu hạt điều từ các thị trường trên thế giới đạt 45.200 tấn, trị giá 324,43 triệu USD, giảm 9,5% về lượng và giảm 14,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Đức cũng giảm nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, tuy nhiên tốc độ giảm nhập khẩu từ Việt Nam vẫn thấp hơn so với mức giảm nhập khẩu từ các thị trường Ấn Độ và Hà Lan.

Tuy nhiên, thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức vẫn tăng từ 57,51% trong 9 tháng năm 2020 lên 62,46% trong cùng kỳ năm 2021.

Triển vọng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường Đức sẽ khả quan trong năm 2022 nhờ lợi thế về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA).

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại Đức liên tục tăng do nhu cầu cao từ các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và sự ưa thích của người dân với loại hạt vừa tốt cho sức khỏe vừa có mức giá cạnh tranh cũng tác động tích cực lên ngành điều Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam là đối tác xuất khẩu hạt điều lớn nhất vào Đài Loan trong nhiều năm qua.

Hải quan Đài Loan gần đây thông báo đang tiến hành sửa đổi Biểu thuế nhập khẩu, trong đó có giảm thuế nhập khẩu hạt điều từ 16% xuống 10%. Việc này sẽ sẽ kích thích hoạt động xuất khẩu hạt điều vào thị trường này tăng mạnh trong thời gian tới.

Ngoài các thị trường trên, Nga cũng là thị trường tiềm năng của Việt Nam với thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nga tăng từ 50,28% trong 6 tháng đầu năm 2020 lên 57,68% trong 6 tháng đầu năm 2021. Việt Nam vẫn khẳng định được vị trí nhà cung cấp hạt điều số 1 tại Nga.

Bên cạnh đó, khi giá cước vận chuyển, logistics tăng cao trong những tháng qua khiến giá hạt điều Việt Nam khó cạnh tranh với hạt điều Ấn Độ và Brazil tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, ngành điều Việt Nam đã tranh thủ khai thác các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản và một số thị trường ngách của Liên minh châu Âu.

Việc mở rộng hình thức vận tải sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giao hàng. Việc mở đoàn tàu chở container điều từ Hà Nội sang Bỉ đã tạo thêm tuyến đường vận tải vào sâu nội địa châu Âu, giúp ngành điều thuận lợi hơn trong khâu vận chuyển.

Tin liên quan

Đọc tiếp