Mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động, lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, giá nguyên liệu tăng cao... nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt kết quả lạc quan. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2022, do Bộ Công Thương phối hợp tổ chức chiều 30/9, các ý kiến đánh giá kết quả này đạt được có sự đóng góp không nhỏ từ phía hệ thống các thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, cơ quan thương vụ đã cung cấp sát thông tin về thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp cũng như hiệp hội trong nước có những điều chỉnh thích hợp.
"Các thương vụ cung cấp rất sát tình hình thị trường, thậm chí đã có phản ánh, trao đổi tại chỗ để các hiệp hội, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, đưa ra điều chỉnh phù hợp. Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được coi là đầu cầu trong việc cung cấp thông tin "nóng" về thị trường nước ngoài".
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) Hoàng Thị Liên đã chia sẻ với Mekong ASEAN rằng, các thương vụ tại nước ngoài có vai trò rất quan trọng trong vấn đề cung cấp thông tin thị trường đến doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh GDP Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.
"Nếu thiếu chân rết là hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thì trong mọi điều kiện, doanh nghiệp đều sẽ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh", bà Liên nhận định.
Chủ tịch VPA cũng cho rằng, các hiệp định thương mại thế hệ mới mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, nhưng để khai thác tốt FTA trước môi trường kinh tế thế giới có nhiều biến động vẫn còn là bài toán khó đối với doanh nghiệp.
Khi đó, việc cung cấp thông tin về đối tác nước ngoài từ phía các thương vụ có vai trò rất lớn, để doanh nghiệp tránh được những rủi ro, những tranh chấp với đối tác. Khi phát sinh vấn đề, phía thương vụ cũng nỗ lực phối hợp với các bên, đặc biệt là doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết.
"Hệ thống thương vụ như cánh tay nối dài của doanh nghiệp tại các thị trường xuất khẩu. Năm 2016, Nepal đột ngột cấm nhập khẩu hạt tiêu khi gần 70 công hàng trị giá hơn 3 triệu USD đang trên đường xuất sang thị trường này. Nhưng Hiệp hội đã phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal để có thể kéo lô hàng này trở về an toàn cho doanh nghiệp".
Bà Hoàng Thị Liên cũng dẫn chứng thêm ví dụ mới đây nhất liên quan đến 7 container tiêu xuất sang Pakistan. Các container hàng này của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Pakistan từ hồi tháng 6 nhưng không được phía nhà nhập khẩu thanh toán, do Pakistan đang trong tình trạng thiếu ngoại tệ. Cũng nhờ sự hỗ trợ của thương vụ Việt Nam, hiện tại, các doanh nghiệp đã làm việc được với Hải quan Pakistan và được chấp thuận kéo 7 container trở về an toàn.