Hòa Phát đang có gần 39.000 tỷ đồng tiền mặt, lỗ nặng khoản chênh lệch tỷ giá

hoà phát Ngành Thép
10:34 - 30/10/2022
Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long.
Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long.
0:00 / 0:00
0:00
Theo bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 30/9/2022, Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đang có 11.881 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, đồng thời đang gửi ngân hàng 27.030 tỷ đồng với kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm.

Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 34.103 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long vẫn thuộc top đầu về doanh thu thuần. Vào quý 4/2021, Hòa Phát từng thu về kỷ lục 44.711 tỷ đồng doanh thu.

Doanh thu giảm so với quý cùng kỳ nhưng giá vốn bán hàng của HPG lại tăng 22% lên hơn 33.000 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận gộp chỉ còn lại hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ con số này là gần 12.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí tài chính tăng vọt gần 140% lên mức 2.309 tỷ đồng. Trong đó, khoản tăng chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện, lên tới 1.118 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ chưa đến 1 tỷ đồng.

Cộng thêm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng nên kết quả Hòa Phát lỗ trước thuế 1.299 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, tập đoàn có lãi 10.350 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, HPG mang về 115.583 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 10.443 tỷ đồng, giảm 61%. Năm 2022, Hòa Phát đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh với 160.000 tỷ đồng doanh thu, 25.000-30.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, doanh nghiệp đầu ngành thép còn cách mục tiêu khá xa.

Tại thời điểm cuối quý 3, tổng tài sản của Hòa Phát đạt 183.805 tỷ đồng, tăng hơn 5.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ hơn 22.400 tỷ đồng xuống còn gần 12.000 tỷ đồng.

Ngược lại, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng từ hơn 18.000 tỷ đồng lên 27.000 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tăng khoản đầu tư tài chính dài hạn từ 6 tỷ đồng lên 533 tỷ đồng. Đây đều là các khoản tiền gửi có kỳ hạn. Nhờ đó mà trong quý 3, Hòa Phát thu về gần 485 tỷ đồng lãi tiền gửi và tiền cho vay, tăng gần 52% so với cùng kỳ 2021.

Cuối quý 3, Hòa Phát còn 43.880 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty phải dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 900 tỷ đồng trong khi đầu năm chỉ dự phòng 235 tỷ đồng.

Nợ phải trả của HPG là 85.729 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản giảm mạnh là phải trả người bán ngắn hạn, phải trả người lao động, phải trả ngắn hạn khác. Vay dài hạn giảm từ hơn 13.400 tỷ đồng xuống còn hơn 12.600 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ vay ngắn hạn tăng mạnh gần 9.000 tỷ đồng, từ gần 44.000 tỷ đồng lên gần 53.000 tỷ đồng. Tính ra, Hòa Phát đang vay nợ hơn 65.000 tỷ đồng. Tương ứng, lãi vay phải trả là 836 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong báo cáo tài chính, công ty không thuyết minh rõ các khoản vay.

Tin liên quan

Đọc tiếp

MWG không đáp ứng yêu cầu của rổ chỉ số VNDiamond khi kết quả kinh doanh xuống đáy.

MWG bị loại khỏi VNDiamond

Sở Giao dịch Chứng khoán khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố thành phần chỉ số VNDiamond kỳ tháng 4/2023. Theo đó, MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động là trường hợp bị loại.