Hoàn thiện các chính sách nhà ở để công nhân 'an cư lạc nghiệp'

Nhà ở Thanh niên
15:25 - 22/03/2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu "an cư lạc nghiệp", khẳng định nhà ở là rất quan trọng với mỗi người. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu "an cư lạc nghiệp", khẳng định nhà ở là rất quan trọng với mỗi người. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu "an cư lạc nghiệp" và cho biết các cơ quan đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các chính sách nhà ở, bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp...

Tại Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0" do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, bên cạnh các vấn đề về đào tạo lao động, các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho thanh niên công nhân cũng là nội dung được quan tâm.

Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu "an cư lạc nghiệp" và khẳng định nhà ở là rất quan trọng với mỗi người, kể cả là với thanh niên. Đây cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.

Thủ tướng cho biết, các cơ quan đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các chính sách nhà ở. Trong đó, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, có chính sách phù hợp để tạo quỹ đất, có lãi suất phù hợp để hỗ trợ cả "đầu vào" (những doanh nghiệp đầu tư, phát triển, xây dựng nhà), hỗ trợ cả "đầu ra" (người mua, thuê, thuê mua nhà) để phát huy nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội, phù hợp với mặt bằng thu nhập người lao động, nhất là các bạn trẻ vừa ra trường.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tổ chức nhiều hội nghị để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thời gian qua. Sau Hội nghị Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, ổn định và lành mạnh mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Với nhóm giải pháp về chính sách, Bộ Xây dựng đang khẩn trương sửa đổi, trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi để thảo luận vào kỳ họp thứ 5. Dự kiến, dự thảo Luật sẽ được thông qua vào tháng 10/2023 và có hiệu lực từ 1/7/2024.

Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội một Nghị quyết thí điểm đầu tư phát triển nhà ở xã hội nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, trong đó có những khó khăn liên quan đến vấn đề dành quỹ đất đầu tư phát triển nhà ở, gồm cả nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Vấn đề về ưu đãi, tiến triển sử dụng đất, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi chủ đầu tư…

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây dựng triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Trong đó, đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra.

Thời gian qua, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1,5% - 2% để các chủ đầu tư đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội cũng như hỗ trợ người mua trong thời gian tới.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội trong đó có dành 2 gói hỗ trợ gồm gói 40.000 tỷ để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi 2% để đầu tư phát triển nhà ở xã hội; gói 15.000 tỷ giao Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội vay để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trong đó có thanh niên công nhân.

Đây là những chính sách cụ thể và thiết thực để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người thu nhập thấp và công nhân có điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân có nhà ở để họ yên tâm công tác.

Tin liên quan

Đọc tiếp