Đổi mới giáo dục để thanh niên đáp ứng việc làm trong thời đại 4.0

Giáo dục Thanh niên
13:17 - 22/03/2023
Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0". Ảnh: VGP
Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0". Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Tại Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết để thanh niên đáp ứng tốt nhu cầu việc làm trong thời đại 4.0, các trường đại học đang tăng cường thêm lĩnh vực đào tạo chuyên ngành mới.

Sáng 22/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0".

Hội nghị được kết nối tới trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thường trực Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội sinh viên các tỉnh.

Đổi mới hệ thống giáo dục phù hợp với tình hình đất nước

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, đây là diễn đàn quan trọng, có ý nghĩa để Chính phủ, Thủ tướng lắng nghe, chia sẻ những tâm tư nguyện vọng chính đáng của thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, khát vọng vươn lên làm chủ khoa học công nghệ để xây dựng đất nước.

Các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của thanh niên tại buổi đối thoại tập trung vào 3 nhóm vấn đề về giáo dục - đào tạo vì mục tiêu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên 4.0; về rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên; và về kiến tạo môi trường để thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, sáng tạo…

Trước câu hỏi về việc đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đặc biệt là giáo dục đại học, để sinh viên Việt Nam sánh ngang tầm về năng lực và trí tuệ với sinh viên trên thế giới, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước xác định giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, có rất nhiều chính sách ưu tiên.

Theo đó, Thủ tướng cũng chia sẻ rằng cần phải nhìn vào hoàn cảnh của đất nước, Việt Nam vẫn nâng cao tiềm lực, năng lực đào tạo của các cơ sở, nâng cao chất lượng các giáo trình, chương trình đào tạo, vừa đáp ứng yêu cầu mới của thế giới vừa phù hợp hoàn cảnh đất nước.

“Các cụ nói khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, tức là với nguồn lực có hạn, chúng ta phải sử dụng làm sao phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường từ khó khăn để vươn lên, làm thế nào để phát triển năng lực sáng tạo, tư duy ứng dụng của mỗi người.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng cũng chia sẻ chia sẻ, cuộc sống lúc nào cũng có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn và thách thức, người Việt Nam phải luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, không quá lạc quan trước cơ hội và thuận lợi, không bi quan trước khó khăn, thách thức, tự lực, tự cường, vươn lên bằng tay khối óc của mình, không trông chờ, ỷ lại.

Đổi mới giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Về các chính sách phát triển ngành, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian vừa qua, nhận thức vai trò quan trọng của nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đảng đã có những quyết sách lớn như Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện về GD&ĐT.

Đây là cơ sở để phát triển GD&ĐT, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu đưa giáo dục quốc gia cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã giao ngành GD&ĐT xây dựng và triển khai nhiều đề án, đặc biệt là đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT; đang xây dựng và triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số và bước đầu có 5 trường đại học thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật đã đăng ký tham gia đề án này. Ngoài ra, có những đề án khác như đề án xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở, đề án nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghệ cao.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời thắc mắc về đổi mới căn bản, toàn diện về GD&ĐT. Ảnh: VGP

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời thắc mắc về đổi mới căn bản, toàn diện về GD&ĐT. Ảnh: VGP

Bộ trưởng cũng cho biết, vấn đề để thanh niên đáp ứng tốt nhu cầu việc làm trong thời đại 4.0 liên quan tới toàn bộ chất lượng giáo dục đại học. Do đó, các trường đại học đang tích cực tăng cường thêm lĩnh vực đào tạo chuyên ngành về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và nhiều ngành khác liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng hiện nay, không chỉ cần đào tạo về kiến thức nghề, năng lực chuyên môn, người trẻ cũng cần tích lũy các kỹ năng mềm, năng lực về công nghệ thông tin, ngoại ngữ… Đây đều là những môn học cần được hình thành từ những năm đầu phổ thông chứ không thể đợi đến đại học. Do đó, nền giáo dục của Việt Nam đang đổi mới từ giáo dục phổ thông cho đến giáo dục đại học, thêm những môn rèn luyện năng lực, kỹ năng mới vào chương trình phổ thông.

Còn đối với sinh viên nói chung trong các chương trình đào tạo mới theo quy định cũng đều tăng cường hướng đến sự kết nối các trường đại học với các doanh nghiệp, đặc biệt là ngoài các kỹ năng nền còn yêu cầu trang bị các kỹ năng mềm, năng lực về công nghệ thông tin, về ngoại ngữ và rất nhiều năng lực để kết nối làm việc nhóm cùng nhiều các kỹ năng khác nữa.

Đây là giải pháp tổng thể để người lao động có thể thích ứng được tốt nhất trong tình hình mới, các trường đại học sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ sinh viên tốt nhất theo yêu cầu trong thời gian sắp tới.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết về các giải pháp để đội ngũ khoa học trẻ tích cực hơn nữa trong nghiên cứu khoa học.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết về các giải pháp để đội ngũ khoa học trẻ tích cực hơn nữa trong nghiên cứu khoa học.

Cũng trong hội nghị, chia sẻ về phát triển phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng đi vào chiều sâu, có tính ứng dụng cao, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đang thúc đẩy để đội ngũ khoa học trẻ tích cực hơn nữa trong nghiên cứu khoa học.

Cụ thể, Bộ đã dành một phần trong Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia để tổ chức 2 chương trình phục vụ cho các nhà nghiên cứu trẻ dưới 35 tuổi là Chương trình hỗ trợ nghiên cứu khoa học cơ bản và Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN của cán bộ khoa học trẻ.

Ngoài ra, Bộ KH&CN đã hoàn thành và đang trình Chính phủ Đề án Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030. Đề án này đề xuất chia ra 8 nhóm tri thức, trong đó có nhóm tri thức trẻ trong độ tuổi thanh niên như các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học đam mê nghiên cứu khoa học.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt hy vọng khi Chiến lược được Thủ tướng phê duyệt sẽ tạo thuận lợi thiết thực nhiều hơn cho đội ngũ thanh niên tham gia làm khoa học.

Tin liên quan

Đọc tiếp