Lao động có việc làm tăng nhưng thị trường lao động chưa cải thiện
Quý 3 năm nay, lực lượng lao động có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tăng chậm bởi nhiều khó khăn, thách thức đến từ việc đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp giảm mạnh.
Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý 3/2023 ước tính là 52,4 triệu người, tăng 92.600 người so với quý trước và tăng 546.000 người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý 3/2023 là 68,9%, không đổi so với quý trước và tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Lao động có việc làm ước tính là 51,3 triệu người, tăng 87.400 người so với quý trước và tăng 523.600 người so với cùng kỳ năm trước do hoạt động sản xuất kinh doanh quý 3/2023 khởi sắc hơn.
Quý 3/2023 ghi nhận sự phục hồi nhẹ về lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng sau khi bị sụt giảm trong quý 2/2023 do ảnh hưởng sụt giảm đơn hàng trong các ngành công nghiệp dệt may, da giày; chế biến gỗ và điện tử.
Số lao động trong khu vực này đạt 17,1 triệu người (chiếm 33,3%), tăng 10.000 người so với quý trước; lao động trong khu vực dịch vụ đạt 20,4 triệu người (chiếm 39,8%) và có xu hướng tăng mạnh nhất trong 3 khu vực khi tăng 95.800 người; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với số lao động là 13,8 triệu người (chiếm 26,9%), giảm 18,4 nghìn người.
Tính chung 9 tháng năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 760.000 người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,4 điểm phần trăm.
Lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 776.000 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19 triệu người, tăng 321.600 người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 454.300 người.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định, thị trường lao động hiện nay chưa cải thiện về chất lượng khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Số lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) quý 3/2023 là 33,4 triệu người, chiếm 65% trong tổng số lao động có việc làm, tăng 43.900 người so với quý trước và tăng 355.800 người so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2023, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,9%, giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 49,4%, giảm 1 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 74%, giảm 1,1 điểm phần trăm.
Số người thiếu việc làm khu vực công nghiệp và xây dựng tăng cao so với quý 3/2022
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý 3/2023 là 940.900 người, tăng 200 người so với quý trước và tăng 69.200 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý 3/2023 là 2,06%, không đổi so với quý trước và tăng 0,14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý 3/2023, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 372.600 người, chiếm 39,6%, giảm 54.100 người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 297.400 người, chiếm 31,6%, tăng 109.200 người; khu vực dịch vụ là 270.900 người, chiếm 28,8%, tăng 14.200 người.
Tính chung 9 tháng năm 2023, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 922.400 người, giảm 105.000 người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,02%, giảm 0,27 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý 3 năm nay khoảng 54.200 người, giảm 187.300 người so với quý trước, chủ yếu là lao động ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 66,3%), tập trung ở ngành da giày với 31,9% và dệt may với 30,9%.
Số lao động bị mất việc trong quý 3/2023 là 118.400 người, giảm 99.400 người so với quý trước. Trong đó, tập trung chủ yếu ở Bình Dương là 33.600 người và TP HCM là 34.600 người do các địa phương này có nhiều lao động thuộc ngành dệt may và da giày.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2023 là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,73%; khu vực nông thôn là 2%.
Trong quý 3/2023, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước, tương ứng là 2,87% và 3,08%.
Một bộ phận không nhỏ lao động trẻ chưa khai thác hết tiềm năng
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Giai đoạn quý 1 năm 2020 đến quý 2 năm 2022, tỷ lệ này thay đổi liên tục, trong đó đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý 3/2021. Bắt đầu từ quý 3 năm nay, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng dao động nhẹ và giữ mức 4,2% (tương ứng hơn 2,2 triệu người).
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý 3/2023 của khu vực thành thị là 4,5%; khu vực nông thôn là 4,1%, đều giảm 0,2 điểm phần trăm so với quý trước. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15 - 34 tuổi (chiếm 52,4%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.
Đồng thời, nhóm lao động trẻ cũng có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) trong quý 3 năm nay lên tới 7,86%, tăng 0,45 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,16 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.