Hình ảnh nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima được thải ra biển. Ảnh: VCG |
Chiều 24/8, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) bắt đầu quá trình xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Việc xả thải được chính phủ Nhật Bản nhận định là một bước quan trọng trong quá trình ngừng hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1, bao gồm cả việc loại bỏ nhiên liệu nóng chảy sau khi nó bị phá hủy trong thảm họa kép động đất - sóng thần vào năm 2011.
Chính phủ Nhật Bản cùng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc – đều đã xác nhận kế hoạch này an toàn. Hồi tháng 7/2023, IAEA đã bật đèn xanh cho kế hoạch khi khẳng định việc này đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế trong khi tác động đối với con người và môi trường là "không đáng kể".
Tuy nhiên, động thái trên vấp phải sự phản ứng gay gắt và thái độ lên án của chính phủ Trung Quốc. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/8, Global Times trích dẫn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết: “Chính phủ Trung Quốc luôn đặt người dân lên hàng đầu và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để duy trì và bảo vệ an ninh lương thực cũng như sức khỏe cộng đồng”.
Với hiệu lực ngay lập tức, nước này đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tất cả sản phẩm thủy sản từ Nhật Bản trong khi Cơ quan An toàn Hạt nhân Quốc gia thuộc Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cũng đưa ra thông báo sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan giám sát môi trường bức xạ biển tại các khu vực biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc trong năm 2023.
Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) trước đó cũng từng ban hành lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ 10 tỉnh của Nhật Bản sau quyết định xả nước thải. Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc và Hong Kong lần lượt là 2 nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất và chiếm 42% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản, lệnh cấm của chính quyền các khu vực này ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều công ty trong ngành. Riêng trong năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 600 triệu USD thủy sản từ Nhật Bản, trở thành thị trường lớn nhất của nước này.
Theo Reuters trích dẫn dữ liệu của Teikoku Databank, Nhật Bản hiện có 727 công ty đang xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc, chiếm khoảng 8% tổng số công ty Nhật Bản vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc cùng 316 công ty xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Hong Kong.
Chính phủ Hàn Quốc không ban hành lệnh cấm nhập khẩu đối với thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản, tuy nhiên nước này tuyên bố sẽ mở rộng việc kiểm tra phóng xạ lên để đảm bảo an toàn. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/8, Thứ trưởng Bộ Đại dương Hàn Quốc Park Sung-hoon tuyên bố nước này sẽ tiến hành hơn 4.000 cuộc thử nghiệm bổ sung tại các tổ chức tư nhân vào cuối năm nay đối với các sản phẩm thủy sản nuôi trước khi chúng được vận chuyển.