Báo cáo mới nhất vừa được công bố của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC "Vietnam At A Glance: Ánh sáng cuối đường hầm" cho rằng, sau nửa đầu năm khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đang nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.
"Tăng trưởng cuối quý 3 đạt mức khá tốt là 5,3%, vượt xa kỳ vọng của thị trường. Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, Việt Nam dường như vẫn trên đà phục hồi mạnh mẽ", HSBC đánh giá.
Theo HSBC, điều khiến ngạc nhiên nhất chính là sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể coi đây là một sự phục hồi đáng kể trong chu kỳ thương mại toàn cầu, lĩnh vực thương mại của Việt Nam gần đây đã ghi nhận sự phục hồi vốn rất cần thiết.
Cũng theo HSBC, mặc dù một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, xuất khẩu chứng kiến tăng trưởng lần đầu tiên sau hơn sáu tháng, giúp làm dịu tình trạng sụt giảm xuất khẩu nghiêm trọng từ mức hai con số trong 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, bất chấp những thách thức mang tính chu kỳ trong thương mại, triển vọng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dài hạn của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng. Mặc dù FDI đã giảm so với đỉnh năm 2017, một phần do bối cảnh tiền tệ toàn cầu thắt chặt hơn, Việt Nam vẫn là quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI, chỉ đứng sau Malaysia.
Đáng nói, lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn vốn FDI, mang lại niềm hy vọng Việt Nam có thể tiến lên trong chuỗi giá trị, chuẩn bị cho một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ khi chu kỳ thương mại đổi chiều.
Ngoài sản xuất, theo HSBC, dịch vụ vẫn là nền tảng cho sự tăng trưởng của Việt Nam. Nhìn sơ bộ, các lĩnh vực có mức tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ năm trước đều liên quan đến du lịch.
Xét trên diện rộng, ASEAN đã chứng kiến lượng khách du lịch quay trở lại khoảng 60-80% so với mức của năm 2019, trong đó tốc độ phục hồi của Việt Nam đang tiến gần đến mốc 70% trong tháng 9. Bất chấp một số biến động hàng tháng về dữ liệu du lịch, tính đến tháng 9, Việt Nam đã đón 8,9 triệu khách du lịch buộc các cơ quan quản lý phải nâng chỉ tiêu cả năm lên 13 triệu, từ mức 8 triệu trước đó.
"Trong bối cảnh mùa đông sắp diễn ra ở khu vực Bắc bán cầu và với quy định nới lỏng thị thực gần đây, Việt Nam có vẻ đang trên đà tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ về du lịch", HSBC nhận định.
Cẩn trọng áp lực lạm phát
Bên cạnh những tín hiệu tăng trưởng tích cực, HSBC đã phát đi cảnh báo rủi ro lạm phát đã xuất hiện trở lại. Đà lạm phát đã tăng nhanh trong hai tháng qua, đẩy tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm trước tiến gần hơn đến mức trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
HSBC đánh giá lạm phát bình quân sẽ khó vượt mức trần 4,5%. Nhưng lạm phát tăng cao cũng làm thay đổi quan điểm của ngân hàng này về động thái tiếp theo của NHNN.
"Chúng tôi không còn kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Các điều kiện trước đây đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nữa đã không còn. Quá trình phục hồi đang diễn ra trong khi lạm phát và áp lực ngoại tệ đang gia tăng", HSBC cho biết.
HSBC kỳ vọng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2024, trừ khi có các cú sốc từ bên ngoài.
Tại cuộc Gặp mặt của Thường trực Chính phủ với doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam chiều 11/10, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo xu hướng nới lỏng từng bước phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô bằng việc 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm định hướng và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần tăng cường đầu tư xã hội, hỗ trợ sản xuất, tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.
Đến nay, lãi suất cho vay VND đã giảm bình quân khoảng 1,5 - 2,0%/năm so với cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN. Từ đầu năm chỉ kỳ vọng giảm 1,5% nhưng đến nay mới tháng 10 đã giảm mức 1,5%-2% từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm.