Chùa Chuông (Kim Chung tự) được xây từ thời nhà Lê thế kỷ XV còn giữ được nhiều kiến trúc nguyên sơ. Bước qua cổng Tam quan là tới cây cầu đá xanh được xây dựng vào năm 1702, bắc qua ao Mắt rồng với rất nhiều hoa sen xung quanh. Năm 1992, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng chùa Chuông là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. |
Phần gạch lát, mái ngói đồng nhất màu nâu sẫm giản dị, mộc mạc tăng thêm phần đặc trưng của những kiến trúc cổ kính. |
Kiến trúc độc đáo thời Hậu Lê của chùa Chuông còn được giữ nguyên vẹn trên mái Tam Quan hay cánh cổng. Cửa chùa có kiến trúc chồng diêm 3 tầng 12 mái, thể hiện được sự hài hòa nhưng cũng rất uy nghi. Những hình đắp nổi tứ linh và hình nghê đá đứng chầu, mái đao cong vút thể hiện chốn linh thiêng nơi cửa Phật. |
Trong chùa đang lưu giữ nhiều cổ vật giá trị như các câu đối, hoành phi, bia đá, đồ thờ. Trong đó tấm bia "Kim Chung tự thạch bi ký" dựng năm 1711 mô tả vị trí cảnh quan trong chùa và người có công tu tạo nơi này. |
Ánh nắng huyền ảo chiếu vào hành lang La hán với 18 bức tượng. |
Huyền sử chùa Chuông kể lại rằng: Trước đây trong một trận đại hồng thủy, trên chiếc bè có một quả chuông màu vàng đã được nước đẩy vào đây. Lúc ấy không một ai nhấc chuông lên được, chỉ khi có vị sư trụ trì ở trong chùa 10 năm chọn ra 10 nam thanh, nữ trinh thì mới có thể dịch chuyển được quả chuông lên. Sau đó dân làng đã xây tháp rồi treo chuông ở trong chùa. |
Vào các ngày 15/1, 8/4, 15/4, 15/7 Âm lịch hàng năm, lễ hội chùa Chuông thành phố Hưng Yên được tổ chức, thu hút nhân dân trong vùng và du khách thập phương về dự. |
Một số hình ảnh thiếu nữ áo dài với Việt cổ phục trong khuôn viên chùa. |
Ngôi chùa tọa lạc tại đoạn cuối Đường Văn Miếu, thuộc phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km hoặc hơn 1 giờ di chuyển bằng ô tô, đây là một điểm đến thú vị của những tín đồ chụp ảnh cổ trang hoặc những du khách yêu thích kiến trúc cổ truyền thống Việt Nam. |
Ngoài chùa Chuông, thành phố Hưng Yên còn nổi tiếng với cụm di tích Đình chùa Hiến và cây nhãn tổ, có từ thời Phố Hiến, nơi lắng đọng trầm tích văn hóa vùng đất nơi đây |
Toàn cảnh Phố Hiến xưa, thành phố Hưng Yên ngày nay với hồ Bán nguyệt nổi bật, một thắng cảnh nổi tiếng giữa lòng thành phố. |