Ảnh minh họa. Huyện Văn Yên có 286 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, cao nhất toàn tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Báo Yên Bái) |
Cung cấp thông tin, tư vấn việc làm ở từng thị trường lao động tại nước ngoài
Trong thời gian từ 16/9 – 12/10/2023, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái tiến hành tổ chức các "Hội nghị tư vấn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động" tại 18 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Hoạt động này thuộc Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 4/8/2023 của UBND huyện Văn Yên về việc thực hiện Tiểu dự án 3 "Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Văn Yên năm 2023.
Theo đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Văn Yên đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Yên Bái và các doanh nghiệp được cấp phép tuyển dụng lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài cung cấp thông tin, tư vấn, định hướng việc làm ở từng thị trường lao động, giải đáp những ý kiến của người dân về chính sách, thị trường, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.
Đồng thời thông báo về các chính sách của Nhà nước hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Hội nghị nhằm giúp cho người lao động hạn chế những rủi ro, có đầy đủ thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước, mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm, du học nghề phù hợp với điều kiện, khả năng và sở trường của từng người, nhằm giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, góp phần nâng cao, chất lượng nguồn nhân lực, xoá đói giảm nghèo bền vững.
Văn Yên là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, có địa hình tương đối phức tạp và đồi núi liên tiếp. Trong đó dân số trung bình thành phố chiếm khoảng 8,5%, còn lại là vùng nông thôn và dân tộc miền núi với 15,5% người Tày, 25,4% người Dao và nhiều dân tộc khác, mật độ phân bổ dân số không đều.
Tính từ năm 2020 đến hết tháng 8/2023, huyện Văn Yên có 286 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, đạt cao nhất trong các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cũng cho thấy, nhìn chung, lao động đi làm việc ở nước ngoài được thị trường chấp nhận, đa số nỗ lực, chủ động học tập, nắm bắt công việc, sáng tạo và cần cù lao động.
Riêng trong khuôn khổ chương trình tư vấn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, Văn Yên đã phối hợp đã tổ chức được 3 hội nghị tại địa bàn các xã Yên Phú, An Thịnh, Viễn Sơn với hơn 100 người trong độ tuổi lao động tham gia.
Lễ gặp mặt, động viên người lao động tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đi làm việc tại Hàn Quốc. (Ảnh: Báo Yên Bái) |
Công việc của người lao động tập trung chủ yếu vào một số ngành nghề như: sản xuất chế tạo, may mặc, điện tử, giúp việc gia đình, hộ lý, xây dựng… Phụ thuộc vào từng thị trường, nước tiếp nhận mà nghề nghiệp của người lao động ở mỗi nơi khác nhau.
Thực hiện được mục tiêu đề ra, sau khi kết thúc thời gian đi làm việc ở nước ngoài trở về nước, đây sẽ chính là một nguồn giúp tỉnh Yên Bái bổ sung đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phối hợp giải quyết lao động tại chỗ, đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số
Để thực hiện hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua huyện Văn Yên đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh triển khai các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 612 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS...
Ảnh minh họa. Tạo công ăn, việc làm, tăng sinh kế cho người lao động tại Yên Bái. (Ảnh: Mekong ASEAN). |
Tính đến hết năm 2022, huyện đã đề xuất đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS như: hỗ trợ chuyển đổi nghề để mua sắm công cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông - lâm nghiệp và các nghề khác, kinh phí 2,156 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 1,2 tỷ đồng.
Phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, kinh phí 15,662 tỷ đồng; phát triển nông - lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân với số tiền 15,385 tỷ đồng; mua sắm thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú là 5,926 tỷ đồng; hỗ trợ trang thiết bị cho 14 nhà văn hóa tại 14 thôn vùng DTTS là 657 triệu đồng…
Cùng với đó, huyện đã mở 20 lớp dạy nghề cho 600 lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS; 10 xã vùng DTTS của huyện như: Xuân Tầm, Châu Quế Thượng, Phong Dụ Hạ, Nà Hẩu, Mỏ Vàng, Lang Thíp, Đại Sơn…