Trong thông cáo phát đi ngày 6/9, IFC cho biết, Việt Nam là một trong năm quốc gia nhận được đầu tư dài hạn nhiều nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương trong năm tài chính 2023 kết thúc ngày 30/6, trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng và thách thức chồng chéo kéo dài, các dự án khí hậu.
Cụ thể, tại Việt Nam, tổng cam kết đầu tư mới của IFC đạt gần 1,9 tỷ USD trong năm tài chính 2023, trong đó, cam kết đầu tư dài hạn là 520 triệu USD.
Các dự án đầu tư và tư vấn của IFC tập trung giải quyết những thách thức cốt lõi đối với Việt Nam, từ biến đổi khí hậu và an ninh lương thực đến các rào cản thương mại và sự thiếu hụt tín dụng nhà ở, giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19 và vượt qua những khó khăn đến từ môi trường trong nước cũng như quốc tế.
Phần lớn số vốn đầu tư dài hạn được dành để tăng cường cho vay hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cũng như người mua nhà có thu nhập thấp và trung bình, góp phần tạo việc làm và thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Chẳng hạn, các khoản đầu tư của IFC vào BaF, công ty chăn nuôi hàng đầu trong nước và vào chuỗi bán lẻ GS25, cùng với khoản vay được bảo lãnh bằng hàng hoá cho Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS), đã giúp thúc đẩy các chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp và cải thiện an ninh lương thực trong nước.
IFC còn cung cấp hơn 1,3 tỷ USD để tài trợ ngắn hạn thông qua tài trợ thương mại và chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà cung cấp hàng may mặc và kinh doanh nông sản, để giúp các công ty này tiếp tục xuất nhập khẩu hàng hóa và duy trì khoảng 100.000 việc làm.
BAF ký kết hợp tác đầu tư cùng IFC, nhận gói tài trợ 900 tỷ đồng |
Nhằm hỗ trợ mục tiêu kép của Việt Nam là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, khí hậu và phát triển bền vững đang trở thành một trọng tâm của các dự án của IFC tại Việt Nam. Tính đến nay, IFC đã cam kết tài trợ dài hạn hơn 900 triệu USD để hỗ trợ các dự án liên quan đến khí hậu trong nước.
Khi các doanh nghiệp dần hồi phục sau đại dịch, đồng thời vượt qua những bất ổn do các cuộc khủng hoảng toàn cầu gây ra, đây là thời điểm thích hợp để khu vực tư nhân tiến hành chuyển dịch xanh nhằm nâng cao khả năng chống chịu và hiệu quả hoạt động. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các công ty mà còn giúp khai mở tiềm năng của khu vực tư nhân trở thành một động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi của đất nước sang mô hình tăng trưởng kinh tế carbon thấp.
Chương trình tư vấn của IFC tại Việt Nam tập trung vào việc thúc đẩy môi trường thuận lợi cho các dự án khí hậu và xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp địa phương để nắm bắt các cơ hội trong lĩnh vực đầu tư khí hậu.
Ví dụ, IFC đang hỗ trợ các bộ liên quan xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích các dự án xanh và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào thị trường carbon tự nguyện, cùng nhiều chính sách khác. IFC cũng đang tư vấn cho các nhà sản xuất trong các ngành công nghiệp nặng bao gồm thép, xi măng và nhựa áp dụng các giải pháp khử cacbon để sản xuất xanh hơn.
Ngoài ra, IFC cũng hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường việc áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng như tuân thủ thực hiện các yêu cầu ESG của các bên tham gia thị trường.
"Nỗ lực này sẽ giúp thúc đẩy sự tham gia của thị trường vốn vào nỗ lực chung về đối phó với biến đổi khí hậu thông qua tài chính xanh và bền vững", IFC khẳng định.